Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Nam: Bàn tay "vàng" phẫu thuật lồng ngực và mạch máu
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Văn Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp hội chẩn phim chụp CT của bệnh nhân u phổi. |
Càng áp lực càng cố gắng
Được đào tạo bác sĩ đa khoa, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2004, về công tác tại BVĐK TP Bắc Giang sau 1 năm thì chuyển sang làm việc tại BVĐK tỉnh, Nguyễn Văn Nam được lãnh đạo Bệnh viện phân công làm chuyên khoa ngoại. 2 năm được Giám đốc Bệnh viện cử đi đào tạo tập trung bác sĩ chuyên khoa I về ngoại khoa tại Hà Nội là quãng thời gian quý báu anh được trực tiếp làm việc với các chuyên gia bậc thầy ở T.Ư về ngoại khoa nên tranh thủ tối đa thời gian học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến để về áp dụng trong công việc. 8 năm sau ngày ra trường, anh trở thành bác sĩ phẫu thuật chính trong kíp.
Cũng như nhiều đồng nghiệp ở một số khoa có tính chất “đầu sóng, ngọn gió”, áp lực công việc ở Khoa Ngoại tổng hợp rất lớn. Ngoài giờ làm việc theo quy định, anh và đồng nghiệp tham gia phẫu thuật cấp cứu bất kể giờ giấc. Từ các ca mổ đơn giản như viêm ruột thừa, thủng ruột, thủng dạ dày, tắc ruột cho đến chấn thương bụng kín, vỡ gan, lách, vết thương tim, mạch máu… Cùng với phẫu thuật cấp cứu là phẫu thuật theo kế hoạch các ca bệnh về sỏi mật, thận, phẫu thuật khối u và bệnh nhân từ khoa khác chuyển đến. Bình quân số bệnh nhân mổ phiên và mổ cấp cứu khoảng 150 ca mỗi tháng/3 bác sĩ phẫu thuật chính.
Tuy nhiên, vào phiên trực, bác sĩ phải mổ liên tục, không giới hạn số lượng bệnh nhân. Ca đơn giản nhất mất khoảng 30 phút, những ca đa chấn thương, phức tạp có thể kéo dài 5-6 tiếng. Mỗi phiên mổ phức tạp là một thử thách song cũng là một lần khẳng định tay nghề, trình độ năng lực của thầy thuốc.
Làm chủ kỹ thuật mới về ngoại khoa
Bác sĩ Nguyễn Văn Nam chia sẻ: Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế triển khai đã giúp đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có anh được tiếp cận, nhận chuyển giao kỹ thuật ngoại khoa hiện đại. Sau khi anh tham gia học lấy các chứng chỉ chuyên sâu về lồng ngực - mạch máu tại Bệnh viện Việt Đức, từ tháng 1-2016, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh quyết định triển khai áp dụng kỹ thuật mới, đó là phẫu thuật tắc mạch máu do huyết khối xảy ra ở chấn thương đụng giập. Người bị chấn thương tắc động mạch do huyết khối đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt, đặc biệt là sau “6 giờ vàng” nếu không kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử phần chi thể phía dưới đoạn bị tắc.
Để phẫu thuật trên một đoạn dài 3 cm, phải lấy tĩnh mạch hiển lớn đảo chiều để ghép nối đoạn động mạch bị chấn thương đã cắt. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải phẫu tích toàn bộ đoạn động mạch bị chấn thương để quyết định cắt bỏ, lấy tĩnh mạch hiển lớn tự thân (hoặc mạch nhân tạo) dài tương đương để ghép nối lại, tạo cho dòng máu lưu thông đến phần cơ thể bị thiếu máu do tắc trước đó.
Anh cho biết đây là biện pháp mình dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, học hỏi, áp dụng cho bệnh nhân tại khoa. Từ khi triển khai đến nay, bác sĩ Nguyễn Văn Nam đã phẫu thuật thành công 10 ca. Cùng đó, anh phẫu thuật AVF thành công cho 150 bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối phải lọc máu theo chu kỳ. Kỹ thuật này giúp nối thông giữa động mạch và tĩnh mạch với nhau tạo một áp lực dòng máu đủ lưu lượng để vào máy lọc máu chạy thận nhân tạo; giảm đau đớn và khắc phục sự bất tiện nhờ đưa được đầu ống kim lên tĩnh mạch ở cánh tay thay vì ở vùng bẹn bệnh nhân như trước đây.
Được biết, hiện nay Khoa Ngoại tổng hợp đã thực hiện được các ca phẫu thuật khâu nối trực tiếp vết thương tim, mạch máu, ngực, phổi. Đặc biệt là với kỹ thuật nội soi phát triển về lồng ngực, Nguyễn Văn Nam đã phẫu thuật các bệnh như kén khí phổi, ổ cặn và máu cục màng phổi, phẫu thuật chữa bệnh ra mồ hôi tay... Bác sĩ tay nghề cao, làm chủ được các kỹ thuật mới về ngoại khoa đã giúp những bệnh nhân rơi vào tình cảnh này không phải chuyển viện tuyến trên, giảm bớt gánh nặng chi phí và khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, chăm sóc bệnh nhân.
Không bằng lòng với những gì đã làm được, bác sĩ Nguyễn Văn Nam tự đặt mục tiêu cho mình. Đó là thực hiện thật tốt những kỹ thuật mới đang áp dụng và tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa về lồng ngực và mạch máu dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành. Đồng thời hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp trẻ, hình thành đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu thành lập khoa về phẫu thuật lồng ngực và mạch máu vào năm 2018 theo lộ trình phát triển của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn. Anh cho biết dự kiến tháng 3-2017 sẽ triển khai kỹ thuật can thiệp mạch và cuối năm 2017 sẽ hoàn thành việc chuyển giao biện pháp phẫu thuật cắt u phổi, phình động mạch chủ bụng.
Kim Hiếu
Ý kiến bạn đọc (0)