Nông sản Mỹ và nỗi lo của người chăn nuôi
Đáng chú ý là nhiều loại hoa quả (cherry, nho đen, kiwi…), thủy sản (cua hoàng đế, tôm hùm Alaska…) đều giảm giá từ khoảng 1/3 cho tới một nửa so với trước. Đặc biệt, nhóm sản phẩm chăn nuôi có giá rẻ, thậm chí rất rẻ so với sản phẩm cùng loại trong nước.
Tại các siêu thị, thịt bò ba chỉ Mỹ hiện đang được bán với giá phổ biến 100 nghìn đồng/kg; đùi, cánh gà công nghiệp khoảng 40 nghìn đồng/kg; thịt lợn 26-30 nghìn đồng/kg (giá nhập khẩu).
Nhiều người cho rằng sở dĩ các sản phẩm chăn nuôi Mỹ có giá rẻ như vậy là do chất lượng thấp, hàng thải loại hoặc sắp hết hạn sử dụng nhưng thực tế lại không phải như vậy. Các cơ quan chuyên môn Việt Nam khẳng định, sản phẩm chăn nuôi của Mỹ nhập khẩu vào nước ta đều được giám sát chặt chẽ và bảo đảm chất lượng.
Giá bán thấp là do quy mô sản xuất của họ lớn, hiện đại; chi phí sản xuất, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, năng suất cao. Bên cạnh đó là thói quen tiêu dùng của người dân. Thị trường Mỹ chỉ chuộng thịt ức gà, còn các bộ phận khác như đùi, cánh, chân... là sản phẩm phụ (thường dùng chế biến làm thức ăn chăn nuôi), có giá rẻ. Thịt bò họ cũng không chuộng thịt bắp, ba chỉ mà lại thích thịt vai mềm. Những sản phẩm trên xuất khẩu được giá hơn nhiều so với đem chế biến thành thức ăn chăn nuôi nên Mỹ tích cực bán sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Lâu nay ngành chăn nuôi nước ta có một lợi thế không nhỏ là thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam phần lớn thích những sản phẩm tươi sống (mua miếng thịt của con lợn vừa mổ, mua con gà vừa thịt hoặc mua gà lông về thịt). Thế nhưng, lợi thế này không phải bất biến.
Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm khi xảy ra khủng hoảng thừa thịt lợn, nhiều gia đình ở thành phố đã đầu tư tủ cấp đông rồi mua cả con lợn về thịt ăn dần. Hay tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí kết hợp dịch vụ ăn uống, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu như thịt bò ba chỉ Mỹ được thực khách tiêu thụ mạnh.
Theo tìm hiểu thị trường của sản phẩm chăn nuôi Mỹ hiện nay không chỉ là các cơ sở sản xuất giò, chả, xúc xích, nhà hàng khách sạn, bếp ăn công nghiệp mà nhiều gia đình đã mua những loại thực phẩm này về sử dụng. Như vậy, xét ở một góc độ nào đó thì người tiêu dùng đang được hưởng lợi bởi có thêm lựa chọn cho bữa ăn hằng ngày với chi phí thấp. Trái lại, người chăn nuôi lại tỏ ra lo lắng bởi với mức giá rẻ như vậy về lâu dài sản phẩm chăn nuôi Mỹ sẽ tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ, tác động bất lợi tới sản xuất trong nước, ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn, thậm chí thua trên sân nhà.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng (đến nay đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam) và chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (Trung Quốc đã tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ), nông sản của nước ngoài, nhất là nông sản Mỹ sẽ ngày càng xâm nhập sâu vào thị trường nước ta, cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước. Bởi vậy, vấn đề đặt ra hiện nay với chính quyền, ngành chức năng, nhất là người người chăn nuôi là nâng cao chất lượng đi đôi với hạ giá thành sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Huy Nam
Ý kiến bạn đọc (0)