Dưỡng thần- bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật (kỳ 1)
![]() |
Luyện tập thể thao giúp khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, giảm bệnh tật. Ảnh minh họa Internet. |
Thần là gì?
Theo Đông y, sự sống gồm cơ sở, động lực và chủ thể, hay cụ thể là thể xác, sinh khí tức hơi thở và tinh thần. Thần làm chủ sự sống ở đây bao hàm mọi hoạt động sống trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần, tức là sinh lý- hoạt động sống nội thân và tâm lý, ý nghĩ, tình cảm, ý chí. Hiểu như vậy, ta lại càng thấy vị trí hàng đầu của dưỡng thần trong dưỡng sinh, bảo vệ, tăng cường sức khỏe.
Ở đây nội dung chúng ta đề cập chủ yếu chỉ trong vệ sinh tâm lý hay dưỡng sinh tình cảm và ý chí.
Cơ sở vật chất của thần
Trước nhất là khí huyết, điều này thấy rõ: Tình trạng của khí huyết thế nào thì tương ứng trạng thái tinh thần cũng vậy. Khi khí huyết đầy đủ thì tinh thần sáng suốt; khí huyết thiếu hụt, không đủ thì tinh thần suy nhược, u tối. Tinh thần muốn hoạt động bình thường phải lấy khí huyết làm nền tảng. Nếu khí huyết bị trở ngại mất đi sự hài hòa trong vận hành sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của tinh thần. Thực tế lâm sàng cho thấy, khi thiếu máu sẽ xuất hiện những triệu chứng như tim đập dồn, hồi hộp, mau quên, mất ngủ. Khi bị mất máu do thương tổn, phụ nữ băng huyết, đại tiểu tiện ra máu… có thể khiến người choáng váng, mệt mỏi, nặng thì hôn mê, dẫn tới tử vong. Ngược lại nếu làm việc trí não quá mức khiến khí huyết hao tổn, gây bệnh khí hư, huyết hư, rồi cả khí huyết đều hư.
Thần gắn bó mật thiết với ngũ tạng. Đông y cho rằng ngũ tạng tàng chứa tinh hóa sinh ra những biểu hiện cụ thể của hoạt động tinh thần là: Thần, hồn, phách, ý, chí. Hoàng Đế Nội kinh - y thư cổ của Đông y chỉ rõ: “Can tàng huyết, huyết xá hồn; tâm tàng mạch, mạch xá thần; phế tàng khí, khí xá phách; thận tàng tinh, tinh xá chí; tỳ tàng doanh, doanh xá ý” (Can tàng huyết, huyết chứa hồn; tâm tàng mạch, mạch chứa thần; phế tàng khí, khí chứa phách; thận tàng tinh, tinh chứa chí; tỳ vị tàng doanh - dinh dưỡng, doanh chứa ý).
Hồn, thần, phách, ý, chí đều thuộc về hoạt động tinh thần, tâm lý và chúng có cơ sở vật chất riêng nhờ sự tàng chứa của ngũ tạng. Cơ sở vật chất đó là tinh, khí, huyết, mạch, doanh - dinh dưỡng. Ở đây chỉ rõ: Khi ngũ tạng hoạt động bình thường thì tinh, khí, huyết mới có được đầy đủ và tinh thần mới sáng suốt.
Ngũ tạng chứa “thần” không chỉ nói mỗi tạng sản sinh ra một loại hoạt động tinh thần mà còn hiển lộ điều hết sức trọng yếu: Cơ thể con người là một thể hoàn chỉnh, hoạt động được một cách nhịp nhàng, thống nhất. Có được như vậy là nhờ nó sẵn có “một hệ điều hành sự sống” trên cả phương diện sinh lý lẫn tâm lý - tình chỉ. Như đã nói sự sống quy lại gồm cơ sở, động lực và chủ thể tức là tinh, khí, thần. Trong đó “thần” giữ ngôi vị thống soái, ông chủ sự sống. Khái niệm “thần” ra đời từ những chiêm nghiệm của cổ nhân về con người, về thế giới tự nhiên, vũ trụ và được kết tinh từ tư tưởng của Kinh Dịch, nguyên lý Âm Dương, thuyết Ngũ Hành. Nội hàm của nó có tính phổ quát vô cùng sâu rộng, mang những tên khác nhau như “Chân Thần”, “Chân Tâm”, “Thiên Tâm”, “Như Lai”, “Tự Tình… Khái niệm “thần” đã không chỉ ảnh hưởng mà chi phối sự ra đời, phát triển của Đông y, Dưỡng Sinh học, của đạo Lão, đạo Khổng và còn là điểm gặp gỡ rốt ráo của đạo Phật!
Như vậy về mặt vật chất, chúng ta nhận thức được: Điều kiện tiên quyết trong dưỡng thần là phải làm cho tinh, khí, huyết dồi dào bằng cách biết chăm sóc cho năm trung tâm sống, tức ngũ tạng hoạt động một cách bình thường, hài hòa, đạt hiệu quả!
Lương y Vũ Huy Ba
Ý kiến bạn đọc (0)