Nghiện rượu nặng, loạn thần
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang động viên bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. |
Thưa bác sĩ, bệnh nhân có triệu chứng như thế nào thì được coi là nghiện rượu và phải nhập viện điều trị?
Thông thường, người nghiện rượu phải nhập viện do nhu cầu uống rượu không được thỏa mãn một cách thường xuyên. Họ phụ thuộc vào rượu, có biểu hiện mất ngủ, nhạt miệng, tức tối hay buồn bực. Nhiều trường hợp, bệnh nhân tiếp tục uống khiến cơ thể suy nhược, nhập viện trong tình trạng bị ngộ độc rượu cấp hoặc mãn tính, gan, thận bị tổn thương.
Những biểu hiện trên sẽ không còn nếu bệnh nhân được uống rượu trở lại. Dần dần, hội chứng này sẽ tái diễn nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân ảo giác nặng dẫn tới chi phối hành vi. Lúc này được gọi là loạn thần do rượu.
Thưa bác sĩ, lạm dụng rượu bia ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Uống rượu với mức độ vừa phải sẽ giúp ăn cơm ngon miệng, giải tỏa stress. Nhưng uống nhiều và thường xuyên sẽ khiến hệ thần kinh bị tổn thương, không kiểm soát hành vi, lời nói. Rượu ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt là gây hại cho gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan, huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm đa rễ thần kinh thậm chí loạn thần. Phụ nữ mang thai nếu sử dụng nhiều rượu bia có thể sinh con dị tật, rối loạn phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi của trẻ sau này.
Thực trạng bệnh nhân phải điều trị chứng loạn thần do rượu hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?
Số bệnh nhân này đang gia tăng. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận 256 bệnh nhân, tăng 27 người so với cùng kỳ năm 2015. Hiện tại, có 42 bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Thời điểm đông người bệnh nhất là dịp lễ, Tết, mùa hè (số người uống rượu, bia nhiều), kết thúc mùa vụ... Khoảng 5 năm về trước, độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 40. Hiện nay, người loạn thần do rượu đang có xu hướng trẻ hóa, trung bình 30 tuổi. Lượng rượu uống hàng ngày nhiều hơn, có người uống từ 1,5- 2 lít/ngày.
Xin bác sĩ chia sẻ phương pháp điều trị chứng nghiện rượu, loạn thần do rượu?
Nhiều bệnh nhân nhập viện tự nguyện, nhưng cũng có một số người trốn tránh việc điều trị, gia đình, bác sĩ phải cưỡng chế. Thời gian để điều trị bệnh nhân mắc hội chứng cai rượu khoảng 1 tuần, điều trị bệnh nhân loạn thần do rượu mất từ 1 đến 2 tháng. Sau khi nhập viện, bác sĩ khám lâm sàng toàn diện, tìm kiếm các ổ nhiễm trùng cho người bệnh. Bệnh nhân được bổ sung vitamin B1 liều cao, nước, điện giải, thuốc bổ gan. Nếu bị kích động mạnh, chúng tôi sẽ sử dụng thuốc bình thần để an dịu. Hằng ngày, người bệnh uống thuốc theo chỉ dẫn của y tá để cắt hoàn toàn hội chứng cai rượu và chống tái phát.
Thực tế, nhiều người phải nhập viện lần thứ hai (hoặc nhiều hơn) do tiếp tục uống rượu khi trở về cộng đồng. Vậy theo bác sĩ đâu là biện pháp chống tái nghiện rượu hiệu quả?
Trong trường hợp không có chất cồn để uống, bệnh nhân liên tục gặp hội chứng cai rượu. Để điều trị dứt điểm, người nghiện rượu có thể uống thuốc cai rượu (thường uống vào buổi sáng). Việc uống thuốc cần được thực hiện ít nhất hai năm để cơ thể xuất hiện phản xạ “sợ rượu”. Người cai cần giảm lượng rượu từ từ, tránh ngừng đột ngột để không gặp biến chứng. Điều quan trọng là người bệnh cần có ý chí quyết tâm, xây dựng lối sống lành mạnh, người thân thường xuyên nhắc nhở, động viên.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)