Xuất cảnh trái phép, nẻo về thăm thẳm
![]() |
Cán bộ đội An ninh (Công an huyện Lục Nam) nắm địa bàn, tuyên truyền đến bà con không sang Trung Quốc lao động “chui”. |
Khi đi trai tráng, khi về cốt tro
Hai cán bộ trẻ Đội An ninh (Công an huyện Lục Nam) đưa chúng tôi đến gia đình người thanh niên xấu số Bế Văn G (SN 1997) ở thôn Ba Gò, xã Nghĩa Phương. Ngôi nhà một tầng đông người, mâm bát lỉnh kỉnh, nghi ngút khói hương. Thì ra, theo nghi lễ của người Tày, hôm nay gia đình tổ chức lễ tuột tang cho G. Sau khi cán bộ xã giới thiệu, vợ chồng ông B - bà T đi ra tiếp chuyện. Có lẽ cái chết đột ngột, đau đớn của người con trai duy nhất khiến ông bà suy sụp. Trên bàn thờ, tấm ảnh G trẻ trung giữa khói hương, bên cạnh là lọ hoa cúc trắng khiến ai nhìn cũng xót xa.
Ông B kể: "Tháng 8 năm ngoái, G đi làm bất hợp pháp ở Trung Quốc. Nó đi, vợ chồng tôi nào hay biết. Đến khu vực biên giới, nó gọi điện về bảo theo bạn sang Trung Quốc làm ăn, con chuẩn bị vượt biên, Tết mới về. Rồi nó tắt máy. Sang đến nơi thỉnh thoảng nó cũng thông tin tình hình công việc, cuộc sống. Tết vừa rồi nó gọi điện bảo không có tiền về. Tôi nói với con cứ vay mượn, bố sẽ gửi trả! Nghe vậy, nó nói trong nước mắt thôi con không về nữa. Tôi lại dặn, nếu lao động bên Trung Quốc cực khổ thì hãy về sớm, quê mình thiếu gì việc, có xe đưa xe đón tận nơi”. Tiếp đà câu chuyện, qua Tết, vào một ngày tháng Ba âm lịch, gia đình ông B nhận được tin sét đánh, G không may bị tai nạn lao động trong khi làm ca đêm. Do ban đêm, lại không có xe cấp cứu kịp thời nên G bị mất máu nhiều rồi tử vong. Phải 15 ngày sau, gia đình mới đưa được tro cốt G về quê hương. “Gia đình tôi còn may mắn là nhanh chóng đưa được cháu về quê, chứ nhiều người phải lén lút vác xác qua biên giới vì không đủ tiền thuê, rồi thủ tục rườm rà, có khi mất vài tháng mới về được”- Bà T ứa nước mắt ngậm ngùi.
Vào cuối tháng 2-2017, những gia đình có con em sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp bàng hoàng nhận hung tin một vụ tai nạn chìm tàu trên biển khiến 21 người vượt biên trái phép thiệt mạng trong tình trạng thi thể không còn nguyên vẹn, nhiều người mất tích. Đáng chú ý, trong vụ này có liên quan đến Nguyễn Huy Thường (SN 1987) ở thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Những lao động này quê ở nhiều tỉnh, trong đó có Bắc Giang, mỗi người đóng cho Thường và đồng bọn từ 40 đến 50 triệu đồng để sang Trung Quốc. Sau đó đường dây này vượt biển sang Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên khi ra giữa eo biển ở Chu Hải không may tàu gặp nạn, bị chìm. Ngày 23-8 vừa qua, Thường bị bắt để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Thiếu tá Nguyễn Nhật Huy, Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Lục Nam) thông tin: Lao động “chui” luôn gặp rủi ro. Năm nào trên địa bàn huyện cũng có người bỏ mạng ở xứ người (năm 2015 có 3 người, 2016 có 3 người, 2017 có 2 người). Không ít lao động bị quỵt lương, chưa biết đi đâu về đâu vì tiền hết, về nước cũng không được. Họ phải sống chui lủi, nếu bị công an bắt phải sống trong trại tạm giam. Nhiều người bị phía bạn truy đuổi trong tình cảnh trắng tay, tàn tạ về thể xác, tinh thần.
Nắm chắc tình hình, bóc gỡ nhiều đường dây
Đến hẹn lại lên, trước Tết Nguyên đán, có rất nhiều người dân ở Lục Nam lại khăn gói vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm “chui”. Sở dĩ họ đi theo con đường này là do chi phí thấp, thủ tục nhanh gọn, không đòi hỏi tay nghề cao, lại có việc làm ngay… Nắm được tâm lý này, nhiều đối tượng cò mồi đã chủ động săn đón, hình thành đường dây đưa người trốn sang Trung Quốc. Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng sẽ có người lo cho từ A đến Z. Bên cạnh đó, địa bàn Lục Nam có hơn 4.000 người dân tộc Hoa sinh sống có mối quan hệ thân tộc với người Trung Quốc nên chỉ cần một cú điện thoại là người thân có thể nhanh chóng sang được bên đó. Dù biết đó là bất hợp pháp nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn liều mình qua xứ người mưu sinh.
![]() |
Đưa cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho bà con để hạn chế xuất cảnh trái phép. Ảnh: Mô hình trồng dưa siêu ngọt ở thôn Tân Tiến, xã Đông Phú (Lục Nam). |
Trung tá Đỗ Đức Trịnh, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam cho biết: Lục Nam từng là điểm “nóng” về xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Có thời điểm, các đối tượng tổ chức vài xe ô tô chở lao động đến khu vực biên giới. Vài năm gần đây, số người sang Trung Quốc lao động chui tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2016 có 607 người; năm 2017 còn 352 lượt người, hiện có khoảng 110 người quay trở lại địa phương. Kết quả này có được là do lực lượng công an thường xuyên rà soát, xác minh, bám nắm các đầu mối tổ chức, đường dây, thống kê, lập danh sách số người xuất cảnh trái phép để có biện pháp xử lý hành chính, bóc gỡ. Năm 2016, trong số những người xuất cảnh trái phép trở về, Công an huyện Lục Nam đã gọi hỏi 35 trường hợp. Qua đó điều tra, làm rõ đối tượng Nguyễn Văn Triệu (SN 1971) ở xã Nghĩa Phương 8 lần tổ chức đưa 50 lượt người trốn đi nước ngoài. Hiện đối tượng này vẫn ở Trung Quốc. Vụ án đã được khởi tố và bàn giao hồ sơ cho Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh làm rõ.
Cũng trong năm 2016, Công an huyện khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng là Nguyễn Công Hậu (SN 1994) ở xã Cương Sơn có hành vi lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Vụ việc chuyển cho Phòng Cảnh sát Hình sự (PC 45) Công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền. Công an huyện cũng bắt quả tang Bàn Thị Kéo (SN 1975) ở xã Lục Sơn đang trên đường đưa trái phép 5 công dân xã Bình Sơn sang Trung Quốc.
Chớ quàng chỗ tối
![]() Nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trở thành nạn nhân của bọn buôn người, làm gái mại dâm, ép làm vợ cho những người đàn ông già, tàn tật...; nguy hiểm hơn còn là miếng mồi ngon cho hoạt động buôn bán nội tạng người. Trung tá Đỗ Đức Trịnh, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam |
Trước thực trạng người dân rời quê hương sang Trung Quốc lao động trái phép, Công an huyện Lục Nam đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền. Đảng ủy các xã, thị trấn hằng tháng sinh hoạt chi bộ có kiểm điểm về nội dung này. Công an huyện liên tục cử cán bộ xuống địa bàn nằm vùng, phối hợp với người uy tín trong dòng họ, cộng đồng tuyên truyền để người dân hiểu được hệ lụy, rủi ro, hậu quả của xuất cảnh trái phép.
Nguyên nhân chính dẫn đến xuất cảnh trái phép là do thiếu công ăn việc làm. Vì vậy vấn đề then chốt là giải "bài toán" việc làm cho người dân, giúp họ có thu nhập chính đáng, ổn định ngay ở quê hương. Nhiều năm qua, Nhà nước đã quan tâm xây dựng đường giao thông rộng đẹp vào sâu trong vùng Tứ Sơn. Kinh tế vườn, đồi, rừng đang phát triển. Nhiều lớp đào tạo nghề được mở để người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Bà con cũng tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời kêu gọi đầu tư, tạo nhiều ngành nghề mới thu hút lao động địa phương.
Rời bản làng Lục Nam khi hoàng hôn đã lặn sâu trong núi, nhà nhà bừng lên ánh điện. Đi trên con đường tâm linh (tỉnh lộ 293) trở về TP Bắc Giang, tôi gặp nhiều xe ô tô chở công nhân các khu công nghiệp về nhà. Bất giác tôi nhớ đến lời người cha có con tử nạn do lao động chui ở Trung Quốc: “Quê mình thiếu gì việc làm, có xe đưa xe đón tận nơi”. Mong sao mỗi người dân hãy ý thức về việc làm của mình, đường sáng thì đi, chớ quàng chỗ tối. Đừng vì đồng tiền mà bất chấp hiểm nguy ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí mạng sống của mình.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)