Ý tưởng sáng tạo từ máy bay mô hình
![]() |
Em Ưng Sỹ Sơn đang gắn các bộ phận, hoàn thiện máy bay mô hình. |
Ngay từ nhỏ, Sơn tự mày mò tìm hiểu về cấu tạo của những chiếc máy bay. Không có tiền mua đồ chơi, em xin những miếng xốp sử dụng thừa và bánh xe đồ chơi về nhà tự thiết kế, cắt, ghép thành mô hình rồi chơi cùng các bạn. Học đến lớp 9, Sơn sử dụng thành thạo máy vi tính và truy cập mạng Internet học hỏi thêm, tham gia nhóm chơi máy bay mô hình.
Tại đây, Sơn tích lũy nhiều kiến thức bổ ích. Suốt hai năm liên tiếp, cứ được nghỉ học là cậu bé lại tìm đến các cửa hàng kinh doanh điện tử mua từng bộ phận linh kiện rồi về nhà tỉ mẩn nối từng mối hàn. "Bố mẹ lo em mải chơi quên việc học. Em phải thuyết phục mãi bố mẹ mới đồng ý cho em theo đuổi niềm đam mê"- Sơn cho biết. Để mua sách, đồ dùng phục vụ việc chế tạo máy bay, em tiết kiệm tiền ăn sáng, mừng tuổi mỗi dịp Tết và phần thưởng trong học tập.
Đến nay, mô hình máy bay điều khiển từ xa sau nhiều lần thử nghiệm đã hoạt động tốt. Chiếc máy bay của Sơn có nhiều ưu điểm về thời gian, tốc độ bay do em chọn thiết bị, tự thực hiện các mối hàn, ghép và thêm bớt vài chi tiết. Trung bình, máy bay đồ chơi bay được từ 30 đến 40 km/giờ, mô hình của Sơn có tốc độ từ 70 đến 80 km/giờ, độ bền của pin lâu hơn từ 1-2 giờ. Động cơ hoạt động bằng pin. Cánh máy bay là bộ phận quan trọng quyết định thời gian, độ cao, xa. Để có sự khác biệt này, cậu học trò phải tính toán chi tiết độ cân bằng của cánh lái và trục bánh xe, bảo đảm thăng bằng tuyệt đối khi cất cánh, giảm lực cản, bớt tiêu hao năng lượng.
Cô giáo Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 1 nhận xét: “Sơn rất khéo tay và nắm bắt nhanh các môn học tự nhiên. Sau khi thấy sản phẩm hoàn thiện, nhà trường tìm hiểu và động viên em dự thi ý tưởng sáng tạo trên Báo Bắc Giang. Qua chia sẻ mô hình trên các trang mạng xã hội, nhiều độc giả đã phản hồi, đánh giá cao. Ban Giám hiệu nhà trường phân công giáo viên phụ trách giúp em hoàn thiện ý tưởng, hy vọng em sẽ chế tạo thành công chiếc flycam phục vụ hoạt động của nhà trường”.
Nói về mô hình của mình, Sơn mong muốn sẽ được các nhà khoa học, doanh nghiệp giúp đỡ để hoàn thiện hơn, có thể giúp người trồng cây ăn quả tưới nước, phun thuốc trừ sâu, hơn nữa là áp dụng trong kỹ thuật quân sự. Hiện cậu học trò này đang nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành phi công.
Phương Hoàng
Ý kiến bạn đọc (0)