Hãy nâng niu cuộc sống
![]() |
Minh họa: Thế Đại |
Cái chết không đáng có
Nhận tin em N. T, xã HM (Việt Yên) nhảy cầu tự vẫn tại sông Cầu, bạn bè và người thân đều bàng hoàng. Buổi sáng hôm đó, T dắt xe đi học nhưng em không đến trường mà đạp thẳng ra sông Cầu. Đến giờ tan học không thấy con về, cả nhà đổ xô đi tìm thì nhận được tin xe đạp của em cùng sách vở để lại trên cầu. Mấy ngày sau, thi thể của em được tìm thấy. Ôm xác con gái, cha mẹ T khóc ngất vì nỗi đau quá lớn.
Chỉ những người trong gia đình mới hiểu rõ nguồn cơn sự ra đi đột ngột của em. Trước đó, khi T đề cập chuyện gia đình bạn trai có nhã ý đến đặt vấn đề qua lại, gia đình em đã gạt phắt đi, tỏ ý ngăn cấm vì nghĩ T còn đang tuổi đến trường. Tất cả đều không ngờ, em lại có phản ứng tiêu cực đến thế.
Mới đây, người dân Tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) bất ngờ khi thấy em N. T. M nhảy từ tầng thượng nhà mình xuống sân. Dù đã được đưa vào viện cấp cứu ngay sau đó nhưng M không qua khỏi vì chấn thương sọ não quá nặng. Người thân, hàng xóm đều thương tiếc cho nữ sinh vừa tốt nghiệp trường y đã vội ra đi khi cánh của tương lai còn rộng mở. Trước đó, M đã có tâm trạng bất ổn từ khi chia tay bạn trai. Cô gái chăm ngoan, nhanh nhẹn, là hy vọng của cả gia đình lại tìm cho mình sự giải thoát đau đớn như vậy.
Khi thất tình hay cha mẹ ngăn cấm yêu đương, không ít bạn trẻ đã chọn cách giải quyết tình huống tiêu cực. Có trường hợp bỏ nhà đi hoang hay thuê người trả hận, thậm chí tìm đến cái chết.
Theo chị Đào Thị Hường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, lựa chọn giải pháp như vậy là hoàn toàn thiếu kỹ năng sống, xử sự bồng bột theo cảm xúc nhất thời, không nghĩ đến hậu quả là nỗi đau suốt đời cho những người thân. Lý giải vấn đề trên, chị Hường cũng cho rằng, giới trẻ ngày nay có một cuộc sống khá đủ đầy, không ít trường hợp luôn có được những thứ mình mong muốn, trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ đến cảm xúc bản thân, không quan tâm đến người khác. Cộng thêm thiếu trải nghiệm sống, những bạn trẻ này dễ tuyệt vọng khi gặp trắc trở, nhất là lĩnh vực tình cảm.
Bên cạnh đó là sự thiếu gần gũi con cái, thậm chí sai lầm của các bậc làm cha mẹ trong cách giải quyết chuyện tình cảm vô hình trung đẩy con vào những suy nghĩ tiêu cực.
Trang bị kỹ năng sống
Cũng từng đổ vỡ trong chuyện tình cảm nhưng Nguyễn Hồng Nhung, Tổ dân phố Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) chia sẻ, bản thân tổn thương sâu sắc nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Bởi theo em, tự tử là hành động nông cạn và bất hiếu. Để nguôi ngoai nỗi buồn “hậu” chia tay, Nhung tích cực tham gia hoạt động xã hội, trò chuyện với bạn bè, chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Thời gian là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất, Nhung nghiệm ra rằng, gần một năm sau nghĩ lại, em đã có cái nhìn rất khác về chuyện tình cảm của mình. Nếu như trước đó mình cảm thấy không thể trụ nổi khi chia tay người yêu thì nay bạn lại cho rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho hai người.
Đừng hạ thấp giá trị bản thân, chỉ khi bạn tôn trọng mình mới có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác. |
Tư vấn cho bạn trẻ về kỹ năng sống tại Câu lạc bộ Bạn trẻ Bắc Giang, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm Ý tưởng Việt - Hà Nội) cho rằng đổ vỡ trong tình yêu là chuyện xảy ra với hầu hết bạn trẻ, nhất là ở lứa tuổi còn cắp sách tới trường.
Khi chưa trang bị đủ cho bản thân kinh nghiệm, kỹ năng sống, các bạn trẻ dễ trượt dài sau khi chia tay. Vì vậy, các bạn trẻ hãy trân trọng, nâng niu cuộc sống của chính bản thân mình. Đừng hạ thấp giá trị bản thân, chỉ khi bạn tôn trọng mình, mới có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc với nhiều người trong mối quan hệ lành mạnh, bạn sẽ nhận thấy trong cuộc sống còn nhiều điều giá trị hơn nữa.
Chuyên gia cũng cho rằng, các bậc phụ huynh nên gần gũi, "xỏ chân vào chiếc giày" của con để hiểu, đồng cảm với những suy nghĩ, là người bạn đồng hành để định hướng, chia sẻ với con những kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, khi phát hiện con mình sớm yêu đương, đừng vội đẩy sự việc vào ngõ cụt, suốt ngày bám sát, “tuyên chiến” với con mà nên tìm cách “tiếp cận” đối phương của con mình một cách thân thiện nhất, tìm ra điều hay, lẽ phải, phân tích hợp tình, hợp lý theo hình thức “mưa dầm, thấm lâu” để con có lựa chọn đúng đắn. Cùng đó, rất cần những hoạt động tư vấn tâm sinh lý học đường ở các nhà trường để các em có “điểm tựa” khi khủng hoảng tinh thần.
Thái Giang
Ý kiến bạn đọc (0)