Cấp bách chống lấn chiếm đất rừng Đèo Gia
Ngang nhiên phá, lấn chiếm đất rừng
Thôn Đèo Gia có hơn 1 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 250 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng kinh tế. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp tại thôn Đèo Gia đã cơ bản được giao cho các hộ gia đình và cộng đồng thôn quản lý, bảo vệ. Do công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, tại đây phát sinh nhiều vụ phát, phá rừng.
![]() |
Một cánh rừng mới bị phát luỗng. |
Theo phản ánh của chính quyền cơ sở, thời gian gần đây, các vụ phá rừng xảy ra nhiều và manh động hơn. Đơn cử, ngày 25/2 vừa qua, tại khoảnh 19, thôn Đèo Gia đã có 10,27 ha rừng tự nhiên (rừng nghèo, hỗn giao tre, nứa, gỗ) bị phát, phá, trong đó 5,32ha bị phát trắng, còn lại bị phát luỗng, bao gồm hơn 2ha của Công ty Thiên Lâm Đạt.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Lục Ngạn, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường phối hợp tuyên truyền, kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi phá rừng. UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo UBND xã Đèo Gia, Hạt Kiểm lâm, Công an, và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn phối hợp ngăn chặn, điều tra, xử lý vụ việc.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đèo Gia cho biết, một số người dân trong thôn Đèo Gia chẳng những không nghe tuyên truyền mà còn phản ứng lại các thành viên Tổ công tác và tiếp tục vào rừng chặt phá. Đại diện Công ty Thiên Lâm Đạt thông tin, từ đầu tháng 4 đến nay, người dân thôn Đèo Gia đã tổ chức thành từng nhóm vào rừng do Công ty quản lý để chặt phá. Đặc biệt, từ ngày 4/4 đến nay, cứ từ 20 giờ hôm trước tới 1-2 giờ sáng hôm sau, họ sử dụng cưa máy và dụng cụ thủ công chặt phá cây gỗ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tính đến ngày 11/4, đã có 835 cây gỗ bị đốn hạ, ước tính khoảng trên 40,3m3 gỗ. “Khi chúng tôi đến ngăn cản còn bị những kẻ phá rừng dọa chém, giết. Hiện tổ bảo vệ Công ty phải mắc lán bạt trong rừng để trông coi nhưng người dân vẫn lên phát, phá”, ông Lê Văn D, bảo vệ rừng của Công ty Thiên Lâm Đạt chia sẻ.
Từ khi được giao rừng và đất lâm nghiệp (năm 2017) đến nay, Công ty Thiên Lâm Đạt thường xuyên bị người dân thôn Đèo Gia phát, phá, lấn chiếm cả chục ha đất rừng và đã trồng keo, bạch đàn lên đó. Còn diện tích rừng tự nhiên người dân được giao khoán, bảo vệ rồi tự phát, phá chuyển sang trồng rừng kinh tế thì chưa thống kê hết.
Cần kiên quyết ngăn chặn
Theo Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn và chính quyền địa phương, hiện tượng người dân thôn Đèo Gia tự ý đốt phá rừng diễn ra từ lâu. Cách thức hoạt động của những đối tượng phá rừng là phát luỗng toàn bộ tre nứa, bụi rậm. Sau khi cây bụi bị đốn hạ khô nỏ thì phóng hỏa nhằm thiêu rụi cây thân gỗ.
![]() |
Thân cây nứa vừa bị chặt phá. |
Nguyên nhân của tình trạng trên được UBND huyện Lục Ngạn xác định là do người dân nhận thức không đúng về chính sách của Nhà nước, cố tình vi phạm; hiệu quả kinh tế trồng rừng sản xuất tăng cao. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do một số đối tượng xấu kích động lôi kéo người dân phá, lấn đất rừng.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh, một mặt huyện tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân Đèo Gia hiểu được giá trị và trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; một mặt sử dụng biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan nội chính, có giải pháp răn đe phù hợp. Cùng với đó, huyện đã yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉnh sửa những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót trong đo đạc, phấn đấu trong tháng 4 sẽ giao xong đất cho các hộ còn lại để họ yên tâm sản xuất.
Đối với vụ phá rừng ngày 25/2 vừa qua, sau khi điều tra vụ việc, ngày 25/3, Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Hủy hoại rừng” và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn xử lý. UBND huyện đã đôn đốc cơ quan Công an gấp rút điều tra để khởi tố bị can, đưa những kẻ phá rừng ra trước pháp luật, chặn đứng tình trạng phá rừng tại Đèo Gia và để Công ty Thiên Lâm Đạt ổn định sản xuất.
Được biết, Đèo Gia là thôn cổ, 100% là đồng bào dân tộc Cao Lan, tính cố kết trong cộng đồng rất lớn. Đặc biệt, họ ở vùng sâu, vùng xa nên nhận thức, tiếp cận và chuyển đổi trong nhận thức về pháp luật có phần hạn chế. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần kiên trì tuyên truyền, không để việc phá rừng gây mất an ninh trật tự địa phương.
Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)