CPTPP có hiệu lực-cơ hội và thách thức mới
CPTPP cam kết về mở cửa thị trường ở nhiều lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... và đạt được thỏa thuận chất lượng cao. Ngoài ra, là cơ hội cho Việt Nam khai thác các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru...
Đặc biệt, CPTPP sẽ tác động tích cực khá tập trung vào những ngành liên quan nhiều đến nông dân, ngư dân. Kết quả phân tích của một số nghiên cứu cho thấy, CPTPP xét về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Trong đó, dệt may và da giày được cho là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất về tăng thêm quy mô sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu.
![]() |
Ngành may mặc được dự báo sẽ có nhiều lợi thế khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Ảnh: Quốc Phương |
Bên cạnh những nhóm ngành được hưởng lợi, một số ngành tốc độ tăng trưởng sản lượng có thể giảm như chăn nuôi, chế biến thực phẩm hay dịch vụ bảo hiểm… Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chăn nuôi có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất từ CPTPP.
Đối chiếu với tiềm năng, thế mạnh và cơ cấu kinh tế của tỉnh cho thấy nổi lên một số ngành, lĩnh vực có lợi thế như: May mặc, lâm nghiệp, chế biến gỗ, chế biến hoa, rau quả xuất khẩu, hàng hoa quả tươi... Tuy nhiên cũng phải nói thêm là trước mắt, may mặc chưa được hưởng nhiều lợi thế vì yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa là rất quan trọng trong việc xem xét giảm thuế xuất khẩu.
Trong may mặc với quy tắc xuất xứ hàng hóa phải từ sợi trở đi mà ngành may mặc tại tỉnh chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ hai nước đứng ngoài CPTPP. Về chế biến rau quả xuất khẩu, chỉ có một ít loại sản phẩm này của tỉnh đủ tiêu chuẩn đáp ứng được thị trường khó tính của các nước trong nội khối.
Đặc biệt, hàng hoa quả tươi, nông sản của tỉnh hầu hết chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước tham gia Hiệp định nên chỉ được hưởng lợi thuế xuất khẩu mới ở dạng tiềm năng.
Một số ngành đang là thế mạnh của tỉnh có nguy cơ bị cạnh tranh rất cao như chăn nuôi (lợn, gà), thủy sản vì một số nước trong CPTPP có thế mạnh hơn. Trong tương lai gần, thịt lợn, gà, bò giá rẻ từ Úc, Chilê... sẽ tràn vào Việt Nam. Thí dụ, giá thịt lợn hơi của Việt Nam hiện ở mức từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg, trong khi ở nhiều nước chỉ ở mức khoảng 32 đến 40 nghìn đồng/kg, chất lượng lại tốt hơn.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Theo kết quả nghiên cứu được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9-2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. |
Hiện tại, sản xuất chăn nuôi, thủy sản của tỉnh có quy mô nhỏ, điều kiện chuồng trại vệ sinh môi trường, nguồn nước chưa thật sự bảo đảm. Trong ngắn hạn nếu không có thay đổi nhanh phương thức sản xuất, lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, Bắc Giang cần làm ngay một số giải pháp. Trước hết, cơ quan chức năng cần biên soạn tài liệu về CPTPP ngắn gọn dễ hiểu, chỉ ra được những ngành lợi thế, các ngành chịu tác động lớn để phổ biến cho doanh nghiệp (DN), người dân được biết, làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh. Cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ cho các DN và người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa.
Chủ động đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng, trong thu hút đầu tư, cần chọn lọc những dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành may mặc, cơ khí, các DN sản xuất giống... Các DN may mặc, chế biến rau quả xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ thị trường, bên cạnh những thị trường truyền thống cần nghiên cứu các thị trường mới trong nội khối. Đồng thời phải nắm rõ yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ngành nông nghiệp cần phải có một cuộc cách mạng thay đổi phương thức cũng như quy mô sản xuất. Đây là thời cơ để nông nghiệp chuyển mình, thay đổi lại nhận thức về một nền sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ 4.0. Một điều hết sức quan trọng là người nông dân cần biết ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; sản phẩm nông nghiệp phải có truy xuất nguồn gốc.
Ngành chăn nuôi, thủy sản sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh, do vậy một mặt cần nghiên cứu tăng quy mô để hạ giá thành, đồng thời tìm các thị trường ngách, sản xuất sản phẩm đặc biệt có tính cạnh tranh cao. Riêng đối với thịt lợn, nhất thiết phải có chiến lược chăn nuôi bài bản, lâu dài vì liên quan vấn đề chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh. Gắn chăn nuôi với chế biến và tiêu thụ, tạo ra chuỗi liên kết hoàn chỉnh.
Nguyễn Cường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến bạn đọc (0)