Khuyến khích HTX, liên hiệp HTX phát triển bằng những chính sách phù hợp
Xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong phát triển KTTT của tỉnh thời gian qua, nhất là từ khi triển khai Luật HTX năm 2012?
![]() |
Bà Nguyễn Thúy Dung. |
Sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển KTTT, đặc biệt đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển KTTT tỉnh. Theo đó, các huyện, TP tiến hành rà soát tổng hợp tình hình hoạt động của HTX trên địa bàn; thực hiện đăng ký, tổ chức lại hoặc giải thể các HTX ngừng hoạt động. Kết quả, đã có 316 HTX tiến hành tổ chức, đăng ký lại và 314 HTX giải thể.
Nhiều HTX sau khi tổ chức lại, chuyển đổi đã củng cố tổ chức, xây dựng phương án hoạt động hiệu quả. Các HTX, liên hiệp HTX mới thành lập phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của thành viên và phù hợp xu thế phát triển chung của xã hội. Một số HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, chú trọng xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, mở rộng thị trường kinh doanh...
Đáng mừng là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương, có liên kết từ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng dịch vụ. Đây thực sự là mô hình giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Một số HTX tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa), Nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm (Việt Yên), Rau sạch Yên Dũng (Yên Dũng), Nông nghiệp Tiên Tiến (Lạng Giang), Công nghệ cao Khang Thịnh (Việt Yên)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà, khu vực KTTT, nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp những khó khăn, bất cập gì?
Nhìn chung, quy mô các HTX còn nhỏ, năng lực nội tại hạn chế, tăng trưởng chưa ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao; số HTX có lãi còn thấp, đóng góp vào ngân sách của tỉnh ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, một số cán bộ, thành viên HTX nhận thức về mô hình HTX kiểu mới và Luật HTX chưa thấu đáo nên khi triển khai hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và các quy định liên quan.
Nhiều HTX không có mặt bằng để triển khai các hoạt động, không có trụ sở làm việc. Các HTX mới đang hướng đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiều HTX còn lúng túng, vướng mắc nhất là về nguồn vốn. Cá biệt có trường hợp thành lập HTX để thực hiện nhiệm vụ mang tính hành chính…
Quản lý nhà nước về KTTT còn có những hạn chế nhất định, một số ngành chưa thật sự quan tâm đến phát triển KTTT thuộc ngành mình quản lý. Việc tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX chưa thật sự quan tâm, chưa đưa ra giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, nhất là về đất đai, vốn. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong phát triển HTX thực hiện thiếu quyết liệt; chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản qua hợp đồng kinh tế.
Việc bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về KTTT chưa đáp ứng yêu cầu, còn đơn điệu; tổng hợp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các HTX từ các huyện, thành phố còn chưa cụ thể, đầy đủ, nhất là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.
![]() |
Các sản phẩm của HTX Mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang). |
Theo bà, nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, khó khăn trong phát triển KTTT hiện nay là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song trước hết là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò HTX kiểu mới còn hạn chế, dẫn đến việc lãnh chỉ đạo còn mang tính hình thức hoặc can thiệp sâu vào hoạt động của HTX, cản trở sự phát triển của HTX. Mặt khác, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực KTTT chưa cụ thể, điều kiện thụ hưởng quá chặt chẽ và không sát với thực tế nên hầu như các HTX khó tiếp cận được. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện các văn bản, chính sách của T.Ư, tỉnh về KTTT, các kết luận của Trưởng BCĐ phát triển KTTT tỉnh đối với một số ngành, địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, chiếu lệ.
Bản thân nhiều HTX còn thiếu năng động, lúng túng trong việc xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh và các giải pháp phát triển. Trình độ quản lý của cán bộ HTX còn thấp, chưa được quan tâm đào tạo bài bản dẫn đến chưa có sự thay đổi về phương cách điều hành, lãnh đạo đơn vị phát triển đúng hướng.
Để giải quyết vấn đề trên, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng và chính Liên minh HTX tỉnh cũng như từng thành phần kinh tế tập thể, HTX cần có những giải pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?
Trước hết là tăng cường đổi mới phương thức tuyên truyền, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng cũng như mọi người dân hiểu rõ Luật HTX năm 2012 và vai trò của HTX trong phát triển KT-XH; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT. Trong đó trọng tâm là phát huy vai trò cơ quan thường trực BCĐ phát triển KTTT tỉnh. Các đơn vị, địa phương bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX, bảo đảm đủ cán bộ thực hiện việc đăng ký HTX, liên hiệp HTX; theo dõi, giám sát thi hành Luật HTX và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với KTTT của tỉnh.
Tiếp tục đánh giá những nhu cầu cần hỗ trợ và những khó khăn, vướng mắc của các HTX, liên hiệp HTX. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích các HTX, liên hiệp HTX phát triển. Rà soát, phân loại và xử lý đối với các HTX không đăng ký tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, các HTX hoạt động hình thức, kém hiệu quả.
Phát huy vai trò làm chủ của thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX. Khuyến khích các HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đồng thời quan tâm hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ quản trị của đội ngũ quản lý HTX.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam: Tăng cường liên kết theo chuỗi Huyện Lục Nam hiện có 50 HTX, trong đó 36 HTX nông nghiệp và 14 HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX phát triển tốt, bước đầu khẳng định được vị thế của mình. Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo thành lập mới các HTX dựa trên các tổ hợp tác, các hội ngành nghề hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường; giúp các HTX liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nghĩa là, nhiều HTX cùng tham gia vào quá trình hình thành, tiêu thụ một sản phẩm, trong đó có HTX chuyên đảm nhận cung ứng dịch vụ đầu vào; có HTX trực tiếp sản xuất ra sản phẩm; có HTX lại chuyên lo dịch vụ đầu ra... Ông Giáp Quý Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế: Sản xuất, kinh doanh lành mạnh, an toàn HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế được thành lập từ tháng 5-2017. Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là sản xuất, chế biến và tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Các thành viên và hộ liên kết đều tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tạo sản phẩm an toàn. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền thương hiệu gà đồi Yên Thế; tăng cường kiểm soát việc lưu thông, vận chuyển gà trên thị trường, hạn chế tình trạng nhập lậu gà từ nước ngoài. Việc ngăn chặn này đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan và chính mỗi thành viên HTX, qua đó tạo được môi trường sản xuất, kinh doanh vật nuôi lành mạnh, an toàn hơn. |
Đỗ Thành Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)