6 học sinh trượt du học Nhật Bản, Công ty cổ phần Quốc tế ICO tổ chức đối thoại để làm rõ thông tin
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang; đại diện phóng viên một số cơ quan báo chí. Tuy nhiên, Báo Tuổi trẻ Thủ đô - đơn vị trực tiếp đăng bài và được mời dự buổi đối thoại đã không đến dự.
Tại đây, ông Nguyễn Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế ICO thông tin khái quát về quy mô, đặc điểm tình hình và các lĩnh vực hoạt động của Công ty. Riêng lĩnh vực du học Nhật Bản, đơn vị được cấp phép hoạt động tư vấn du học từ năm 2012. Từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty có 186 học sinh làm hồ sơ du học Nhật Bản, trong đó có 153 em đỗ, tỷ lệ đạt 82%. Riêng kỳ thi tháng 10-2019 có 81 học sinh nộp hồ sơ; kết quả có 66 em đỗ. Trong số 15 em trượt, có 6 em cùng đăng ký du học tại Trường Quốc tế Tokyo.
Sau 10 ngày gửi kết quả về Công ty thông báo cả 6 trường hợp này cùng mắc lỗi “4J”, đại diện Trường Quốc tế Tokyo và Cục nhập cư Nhật Bản mới gửi thư điện tử để thông báo rõ nguyên nhân không đạt là do lỗi về hộ khẩu. Qua làm việc và phân tích, có 4 gia đình đã đồng tình với kết quả như trên và tiến hành thanh lý hợp đồng, nhận tiền hoàn lại từ Công ty (37,4 triệu đồng/trường hợp); các em được hướng dẫn chuyển sang chương trình đào tạo mới để chờ cơ hội đi du học tại Nhật Bản hoặc quốc gia khác theo nguyện vọng. Còn 2 gia đình học sinh chưa nhất trí, chưa đến Công ty nhận lại hồ sơ.
Trước sự việc trên, gần đây, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng một số bài viết về Công ty cổ phần Quốc tế ICO gồm: Tập đoàn ICO Group bị "tố" lừa đảo đưa học sinh đi du học Nhật Bản (đăng ngày 3-10); ICO Group gian lận hồ sơ tài chính cho học sinh đi du học Nhật Bản (đăng ngày 6-10); Ngân hàng nào đã “tiếp tay” ICO Group gian lận hồ sơ tài chính cho học sinh du học Nhật Bản (đăng ngày 14-10).
Quang cảnh buổi đối thoại. |
Tại buổi đối thoại, bà Nghiêm Thị Thủy Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ giấy tờ hồ sơ của học sinh là do gia đình nộp trên cơ sở Công ty tư vấn, hướng dẫn. Phía Công ty có trách nhiệm sắp xếp hồ sơ và dịch để nộp sang Nhật Bản xin tư cách lưu trú cho các em. Hiện nay, trong 6 học sinh bị trượt đợt này có 4 gia đình đã nhận lại hồ sơ và chi phí đã đóng cho Công ty; 2 gia đình được mời đến nhận lại hồ sơ nhưng hiện vẫn chưa đến. Tại Công ty còn lưu hồ sơ bằng tiếng Nhật, nếu phụ huynh chưa tin tưởng và muốn lấy lại thì làm đơn gửi Công ty để được nhận lại.
Phía Công ty cho biết, các em học sinh trượt trong đợt xét hồ sơ vừa qua là điều đáng tiếc mà công ty không mong muốn. Phía Công ty đã hỗ trợ các gia đình học sinh có nguyện vọng chuyển sang chương trình đào tạo khác để chờ cơ hội đi du học ở quốc gia khác. Đồng thời không nhận tiền đào tạo và hoàn trả lại các chi phí mà gia đình đã đóng cho Công ty.
Nói về cơ hội đi du học lại của các em học sinh này, đại diện doanh nghiệp thông tin, thời gian gần đây Nhật Bản đang siết chặt nhập cư với du học sinh. Tuy nhiên, cơ hội đi tiếp với các em vẫn còn bởi thực tế qua đánh giá, tỷ lệ học sinh trượt lần đầu và tiếp tục thi đậu để đi du học Nhật Bản thời gian qua ở ICO chiếm khoảng 50%.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế ICO thông tin với cơ quan chức năng và báo chí. |
Dự buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Hồ sơ của học sinh bị lỗi trước hết có một phần trách nhiệm của bộ phận tư vấn du học. Do vậy để làm tốt hơn công tác này, không lặp lại sự việc, đề nghị Công ty rà soát toàn bộ quy trình, xem xét những tồn tại, hạn chế để khắc phục, đáp ứng nguyện vọng cũng như công sức, thời gian, chi phí mà học sinh và các gia đình bỏ ra.
Tại đây, đại diện lãnh đạo Công ty là bà Nghiêm Thị Thủy Tiên nhận trách nhiệm chưa tư vấn cặn kẽ cho phụ huynh hiểu về quy trình, thủ tục để học sinh đi du học Nhật Bản. Nhằm siết chặt khâu kiểm soát hồ sơ, không để lặp lại sự việc trên, ngay từ kỳ thi tới, đơn vị sẽ thực hiện việc chứng thực hồ sơ của học sinh thông qua Bộ Ngoại giao, bảo đảm tính khách quan và quyền lợi của các bên liên quan.
Ý kiến bạn đọc (0)