Tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Kinh nghiệm học tốt và đạt điểm cao môn Địa lý
![]() |
Cô Thân Thị Thu Hà hướng dẫn học trò sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. |
Theo cô Thân Thị Thu Hà, Địa lý lớp 9 bao gồm những vấn đề rất gần gũi với đời sống, liên quan đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước Việt Nam. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi minh họa gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút; nội dung phân hóa từ dễ đến khó, trải đều ở tất cả các bài trong chương trình lớp 9. Để học tốt và đạt điểm cao trong bài thi Địa lý, học sinh không phải đến trung tâm hay lò luyện thi, thay vào đó các em chỉ cần chăm chỉ ôn luyện trên cơ sở nội dung kiến thức sách giáo khoa cộng với kỹ năng làm bài tốt là có thể đạt điểm cao.
Địa lý lớp 9 bao gồm hai nội dung đó là địa lý dân cư và địa lý kinh tế. Trong quá trình học, các em chú ý xâu chuỗi kiến thức theo chủ đề, đặc điểm của từng ngành, từng vùng, địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần thường xuyên hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Đây là một trong những phương pháp học hiệu quả bởi thông qua việc sơ đồ hóa nội dung bài học, học sinh sẽ khái quát được kiến thức của từng bài, từng phần một cách khoa học và có hệ thống. Khi áp dụng phương pháp này, học sinh dễ dàng xem lại bài, có thể so sánh, đối chiếu với các vấn đề liên quan để trả lời câu hỏi yêu cầu phải vận dụng, so sánh.
![]() |
Giờ học Địa lý của học sinh Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). |
Cô Hà lưu ý, sau mỗi bài học các em có thể tự lựa chọn “từ khóa” riêng gắn với đặc thù của từng nội dung, vấn đề. Ví dụ khi nhắc đến "cà phê" các em cần hiểu đây là sản phẩm cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Tây nguyên; nhắc đến "dầu khí" cần hiểu rằng đó là loại khoáng sản có giá trị kinh tế lớn nhất ở vùng biển của nước ta... Một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi học Địa lý đó là kỹ năng đọc và sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. Thông thường, Atlat là tài liệu được mang vào phòng thi, được xem là “bảo bối” bởi nếu thí sinh biết cách đọc thông tin qua hệ thống ký hiệu, màu sắc ở đây sẽ không khó trả lời các câu hỏi.
Trong cấu trúc đề thi Địa lý sẽ có khoảng 20%-30% trong tổng số câu hỏi yêu cầu thí sinh nhận xét bảng số liệu, biểu đồ. Thực tế cho thấy, bảng số liệu hoặc biểu đồ trình bày dưới dạng hình cột, tròn đều thể hiện một trong các ý nghĩa như: Quy mô, cơ cấu, sự thay đổi, chuyển dịch một vấn đề nào đó của địa lý. Muốn giải quyết câu hỏi thuộc dạng bài trên, các em phải làm nhiều bài tập để biết nhận dạng câu hỏi, biết phân tích bảng số liệu, biểu đồ, từ đó tìm ra được đáp án chính xác. Lời khuyên nữa dành cho các em là phải thật bình tĩnh, tự tin, đọc kỹ đề bài; trả lời câu hỏi từ dễ đến khó. Với đặc thù đề trắc nghiệm, thí sinh chú ý phân bố thời gian hợp lý. Trong trường hợp câu hỏi quá khó nên sử dụng phương pháp "loại trừ" để chọn được đáp án đúng.
Mai Toan
(ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)