Học thêm, dạy thêm vẫn khó kiểm soát
Quay cuồng vì học thêm
Một tuần có 5 buổi học chính khóa, 4 buổi chiều học thêm ở trường, 3 buổi phụ đạo tại nhà cô giáo là thời khóa biểu của em N.L (10 tuổi), xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Bài tập các môn học chính khóa quá nhiều, bài giáo viên giao khi học thêm khiến cô học trò nhỏ luôn trong tình trạng mỏi mệt, căng thẳng. Không ít hôm con về tới nhà đã muộn, ăn vội bát cơm rồi lại lên phòng chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. “Có hôm tôi lên phòng thấy con gái ngủ trên tay vẫn cầm sách. Xót con nhưng tôi chỉ biết động viên cháu cố gắng vì mục tiêu cả nhà đặt ra trong năm học tới là con thi đỗ vào một trường tốp đầu trong TP” - Chị K - mẹ của N.L kể. Những trường hợp như con chị K không phải là ít.
![]() |
Học sinh Trường THCS Nghĩa Phương (Lục Nam) ôn tập môn Ngữ văn do nhà trường tổ chức. |
Không chỉ học sinh tiểu học, cuối cấp THCS, các em đầu cấp THPT cũng bận rộn học thêm. Chị Nguyễn H, ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) phàn nàn: “Con tôi lớp 10, học thêm liên miên cả ngày thường lẫn ngày nghỉ. Có ngày quay cuồng với 3 ca học thêm, mỗi ca 2 tiếng. Vì bận học nên cháu không còn thời gian nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe hay giúp đỡ bố mẹ việc nhà”. Chị H cho biết thêm, gia đình không tiếc tiền đầu tư chỉ mong con mở mang kiến thức song với chương trình học dày đặc như vậy không biết hiệu quả mang lại có được như kỳ vọng.
Trong vai phụ huynh đi tìm nơi gửi con học thêm tại TP Bắc Giang cũng như các huyện lân cận, chúng tôi được người dân giới thiệu hàng chục địa chỉ từ bậc tiểu học đến THPT. Trò chuyện với một phụ huynh nhà ở đường Hùng Vương, phường Hoàng Văn Thụ được biết, con anh đang học môn Toán ở nhà cô giáo với mức 50 nghìn đồng/buổi; lớp chật, học sinh lại đông, nếu đi muộn một chút là không còn chỗ ngồi nên hôm nào cũng phải đi sớm.
Trong khi hoạt động học thêm ngoài nhà trường khó kiểm soát thì phụ huynh có con đang học THCS, THPT cũng chưa thực sự yên tâm về chất lượng dạy thêm trong trường. Một số người phản ánh, học thêm tại trường là hoạt động thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện nhưng phụ huynh cảm giác như bị ép buộc. “Cô giáo gọi điện cho tôi than thở rằng năng lực của con hạn chế, chữ viết xấu, nếu không học thêm sẽ khó theo kịp các bạn, càng ngày càng đuối, vì vậy tôi đành cho con đi học thêm ở lớp của cô dù thực sự không muốn” - một phụ huynh ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cho biết.
Tăng trách nhiệm quản lý
Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT nêu rõ: Cấm dạy thêm văn hóa ở bậc tiểu học; với cấp THCS, THPT phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép; không tổ chức dạy thêm vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Tuy vậy, việc quản lý học thêm, dạy thêm còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang cho biết, hiện đơn vị cấp phép học thêm, dạy thêm ngoài nhà trường cho 28 cơ sở với 171 giáo viên bậc THCS tham gia. Thực tế còn nhiều cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường dù chưa được cấp phép song vì địa bàn rộng, họ dạy ngoài giờ hành chính nên cơ quan chức năng khó kiểm soát.
![]() |
Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Giang đo ánh sáng tại một cơ sở dạy thêm ở phường Trần Nguyên Hãn. |
Để tránh sự chú ý của chính quyền, cơ quan chức năng, có giáo viên lách luật bằng cách in mẫu đơn với nội dung tự nguyện đăng ký học thêm cho phụ huynh ký xác nhận; dạy nhờ ở đơn vị đã được cơ quan chức năng cấp phép, thường xuyên thay đổi lịch học... Mới đây, qua kiểm tra, 2 trong số 6 cơ sở dạy thêm thuộc phường Trần Nguyên Hãn do ông Ngô Quốc Âu đứng ra đăng ký không bảo đảm ánh sáng trong lớp. Phòng GD&ĐT đã nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục, nếu đạt yêu cầu đơn vị mới cấp phép hoạt động.
Để chấn chỉnh tình trạng học thêm, dạy thêm, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Tháng 9 vừa qua, Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với một giáo viên Trường THCS Cao Xá (Tân Yên) do dạy thêm trái quy định; lập biên bản và yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Long Sơn (Sơn Động) trả lại tiền phụ huynh do tổ chức dạy thêm có thu tiền.
![]() Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) trong học sinh khá phổ biến. Qua các đợt khám sàng lọc gần đây, ước tính cứ 600 học sinh thì khoảng 100 em trong số đó mắc tật khúc xạ. Có nhiều nguyên nhân trong đó một phần không nhỏ là do các em học quá nhiều khiến mắt không được nghỉ hoặc phải nhìn lâu trong điều kiện thiếu ánh sáng". Bác sĩ chuyên khoa Mắt Đặng Văn Hòa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh. |
Ông Trần Duy Phương, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết: Sở, các Phòng GD&ĐT đã công bố đường dây nóng để người dân phản ánh giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi tiêu cực.
Yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục và giáo viên cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong học thêm, dạy thêm. Cơ quan chức năng cấp phép cho các trường tổ chức dạy thêm nhưng nghiêm cấm bớt xén chương trình trên lớp để đưa vào nội dung giờ dạy thêm hoặc dạy trước chương trình chính khóa. Giáo viên dạy thêm phải soạn giáo án, đăng ký nội dung với cán bộ quản lý.
Về vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ không nên bắt con nhồi nhét kiến thức văn hóa quá mức mà cần dành thời gian cho các em tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, học các môn năng khiếu nhằm giúp trẻ tăng cường thể lực, phòng ngừa mắc các bệnh học đường và phát triển tư duy sáng tạo.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)