Học tiếng Anh với người nước ngoài còn bất cập
Tạo luồng gió mới
Trong hai năm học vừa qua, bằng nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội hóa, toàn tỉnh đã đầu tư 79,4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, đầu tư các phòng học tiếng Anh trong nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cùng với các sở, ngành liên quan ban hành công văn hướng dẫn cụ thể về điều kiện, trình tự thủ tục và cách thức tổ chức đưa người nước ngoài tới giảng dạy, giao lưu tại trường học. Năm học 2016-2017, đã có 10 tình nguyện viên của Tổ chức OHH (Braxin) đến Bắc Giang hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên), THPT Chuyên Bắc Giang và THPT Ngô Sĩ Liên.
![]() |
Giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang). |
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc tổ chức dạy và học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài trong nhà trường, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 15/835 trường học đã triển khai dạy và học tiếng Anh có giáo viên nước ngoài; năm học 2017-2018 có 45 trường gồm cả THPT, THCS, tiểu học và mầm non.
Việc đổi mới, đưa giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy và giao lưu tại các trường phổ thông đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn môn tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 5/6 em tham dự đã đoạt giải.
Còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu nêu trên, việc tổ chức dạy và học tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập.
Do không nằm trong chương trình chính khóa, việc hình thành các lớp tiếng Anh do người nước ngoài dạy mới chỉ tổ chức được ở thành phố Bắc Giang và một số thị trấn thuộc huyện Lạng Giang, Việt Yên... Được biết, chi phí cho mỗi tiết học tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài dạy khoảng 30 nghìn đồng (chi trả cho giáo viên và tiền điện, cơ sở vật chất…). Như vậy, với quy định số tiết học thêm như hiện nay của Sở GD&ĐT, trung bình một học sinh THCS phải đóng số tiền là 240 nghìn đồng/tháng, học sinh THPT là 360 nghìn đồng/tháng. Cùng với các khoản đóng góp khác, đây cũng là một chi phí không nhỏ đối với các phụ huynh. Vì vậy, mặc dù rất muốn song nhiều phụ huynh ở khu vực nông thôn, miền núi không có điều kiện cho con theo học. Việc này dẫn đến tình trạng ở một số trường đến giờ học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài, những em không đăng ký đứng ngoài xem hoặc được bố trí ôn bài tạm tại phòng thư viện, phòng học khác.
Theo quy định của Sở GD&ĐT, thời gian học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài bố trí ngoài giờ học chính khóa song do không chủ động được về nguồn nhân lực và để khắc phục những tốn kém, chi phí phát sinh trong việc đưa đón, bố trí nơi ăn, nghỉ cho giáo viên, thời gian qua, hầu hết các trường đã sắp xếp các giờ học liên tục 2 tiết hoặc 3 tiết vào một buổi/tuần, thậm chí “lấn” cả vào giờ học chính khóa. Ban đầu, hầu hết học sinh đều rất hào hứng chờ đón tiết học nhưng chỉ một thời gian sau có sự “phân hóa”: Số học sinh chăm chỉ, có lực học khá, giỏi thì tiến bộ rõ rệt. Ngược lại, số học sinh năng lực và ý thức học tập trung bình, yếu thì chất lượng học cứ đuối dần do không theo kịp chương trình. Vì là học không bắt buộc nên nhiều em đã tự ý bỏ tiết. Tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên vào thời điểm tháng 1-2018 có 11/12 lớp 11 của nhà trường đã tạm dừng học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài do học sinh không muốn theo học.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo cơ hội cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh được trau dồi trực tiếp kỹ năng, kiến thức tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài trong các nhà trường, những bất cập, khó khăn, vướng mắc nêu trên cần sớm được quan tâm, tháo gỡ trong năm học 2018-2019.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)