Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học tiếng Anh: Chưa đáp ứng nhu cầu
![]() |
Trường Tiểu học Phúc Hòa (Tân Yên) đầu tư máy vi tính giúp học sinh ôn luyện Tiếng Anh trên mạng Internet. |
Đã được quan tâm
Ngay khi Đề án ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các huyện, TP đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh trước xu hướng hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực từ ngân sách và đóng góp của xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chương trình.
Cuối năm 2016, từ ngân sách tỉnh, Sở GD&ĐT trang bị 60 phòng học chuyên dụng, phòng học thông minh cho các trường THCS và 37 bộ thiết bị dạy học thông thường cho trường tiểu học trong toàn tỉnh. Học kỳ II này, giáo viên, học sinh Trường THCS Tân Mỹ (TP Bắc Giang) vui mừng khi nhà trường đưa vào sử dụng phòng học thông minh.
Thầy giáo Cao Văn Đạt, dạy tiếng Anh tâm sự: "Phòng được trang bị bảng tương tác, bộ kiểm tra trắc nghiệm, chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ ràng, sinh động, đặc biệt là có sự liên kết thông tin giữa sách giáo khoa với phần mềm nên giáo viên và học sinh rất thuận tiện khi luyện các kỹ năng nghe, nhìn, phát âm".
Đề án đã phân cấp rõ trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếng Anh. Theo đó, Sở GD&ĐT, các địa phương đều xây dựng kế hoạch theo từng năm học để thuận tiện thực hiện cũng như giám sát tiến độ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT) cho biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% trường trong tỉnh có phòng chuyên dụng, các lớp học văn hóa đủ thiết bị dạy học thông thường. Trước mắt khi ngân sách khó khăn, việc đầu tư sẽ ưu tiên những trường điểm, ở vùng thuận lợi.
![]() |
Giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Phương Sơn (Lục Nam). |
Tăng cường giám sát, kêu gọi đầu tư
Tuy đã được quan tâm hơn song qua khảo sát thực tế cho thấy cơ sở vật chất phục vụ dạy và học tiếng Anh hiện còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Trong tổng số 548 trường phổ thông công lập toàn tỉnh mới có 101 trường có phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, phòng học thông minh. Nguyên nhân là do những thiết bị này cần kinh phí lớn. Ở một số vùng nông thôn, đời sống nhân dân khó khăn nên huy động đóng góp không đáng kể.
Còn ở một số nơi có phương tiện nhưng do đầu tư nhiều năm đến nay đã hỏng hoặc công nghệ lạc hậu, không phù hợp với chương trình, phương pháp giáo dục mới. Ví như 5 năm trước, Trường Tiểu học Việt Lập (Tân Yên) được đầu tư dàn máy vi tính, loa đa năng, máy chiếu, bút chấm đọc hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ. Tuy vậy, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, một số đồ dùng gặp sự cố.
Cô giáo Trần Thị Tập, Hiệu trưởng cho hay: "Thời gian đầu chúng tôi còn sửa chữa song chỉ dùng được vài buổi lại hỏng. Nhiều thiết bị sản xuất đã lâu không có linh kiện để thay thế. Nếu mua mới phải mất chừng 25-30 triệu đồng trong khi trường không có kinh phí". Không chỉ thiếu thiết bị chuyên dụng hỗ trợ, nhiều trường chưa đủ phòng học nên vẫn tổ chức dạy tiếng Anh tại lớp theo phương pháp cũ.
![]() Các phòng chuyên dụng, thiết bị hỗ trợ dạy và học tiếng Anh đã được nhiều nhà trường quản lý, đưa vào giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập" Bà Phan Thị Thu Hà,
Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Dân tộc (Sở GD&ĐT) |
Để hỗ trợ các nhà trường, hiện nay Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đầu tư thêm 65 phòng chuyên dụng. Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới môn học này, mới đây, UBND huyện Tân Yên có kế hoạch chi gần 10 tỷ mua sắm thiết bị gồm: Tivi cảm ứng, loa đa năng, máy chiếu... trang bị cho các trường. Việc lắp đặt sẽ tiến hành trước ngày 30-7.
Dịp hè này, UBND huyện Việt Yên trang bị cho 28 trường tiểu học, 19 trường THCS phòng học thông thường. UBND TP Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xúc tiến quy trình, thủ tục đấu thầu, thực hiện lắp đặt thiết bị, phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.
Khắc phục tình trạng đưa máy, đồ dùng vào sử dụng không lâu đã hư hỏng, lãng phí ngân sách, đại diện một số trường kiến nghị cơ quan chức năng làm tốt công tác lựa chọn đơn vị cung cấp theo quy định của Nhà nước, thiết bị phải được thẩm định đạt chất lượng, phù hợp nhu cầu dạy và học. Cùng đó, Phòng GD&ĐT quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nắm vững quy trình sử dụng, bảo quản đồ dùng.
Giáo viên bộ môn tăng cường học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần nguồn kinh phí lớn, do đó cùng với ngân sách tỉnh, ngành giáo dục tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quyên góp, ủng hộ, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch Đề án.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)