Hệ lụy từ học lệch
![]() |
Rèn luyện kỹ năng cho học sinh tại Trường Tiểu học Đồng Sơn (TP Bắc Giang). |
Học "tủ"
Đón cậu con trai mệt phờ từ lớp chọn Toán về, chị Nguyễn Thị Dung, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) băn khoăn: “Khi con được gọi vào lớp chọn Toán của trường, gia đình tôi mừng lắm. Nhưng càng theo dõi lịch học của cháu, tôi càng thấy lo lắng, bất an”. Theo chị Dung, ở lớp, thời khóa biểu của con chủ yếu là học Toán, nhiều buổi không giải lao. Thậm chí vào đợt cao điểm, cháu được miễn hoàn toàn các môn học khác chỉ để học… Toán. Tối về nhà lại hàng chục bài tập Toán, có hôm miệt mài đến khuya.
Sợ con không có thời gian vui chơi và học các môn khác, chị trao đổi với cô giáo thì nhận được câu trả lời: “Chị không phải lo. Các cháu vốn thông minh. Sau đợt thi học sinh giỏi, nhà trường sẽ bố trí thời gian học bù các môn còn lại”. Nhưng các đợt thi học sinh giỏi liên tục gối nhau, hết thi cấp trường, huyện, tỉnh lại đến quốc gia… Thời điểm sát nút năm học, con chị chỉ giỏi môn Toán, còn các môn học khác thì lơ mơ.
Tình trạng đó có thể bắt gặp ở nhiều lớp chọn ở các địa phương khác nhau. Chị Nguyễn Thị Tĩnh, phố Ga Sen Hồ (Việt Yên) cho biết: “Vì vào đội tuyển Vật lý của trường mà cháu lớn nhà tôi suýt trượt THPT đấy!”. Theo chị, con gái đầu được chọn vào đội tuyển, mải mê với môn Vật lý, cháu gần như bỏ qua các môn còn lại. Sát kỳ thi tuyển sinh THPT, gia đình mới nhận thấy con học yếu môn Tiếng Anh và Ngữ văn, phải cấp tốc mời thầy ôn luyện riêng mới vừa đủ điểm vào Trường THPT Việt Yên số 1. Đến khi con gái thứ hai được gọi vào đội tuyển Tiếng Anh của trường, vợ chồng anh chị không dám cho con theo học.
Những năm gần đây, trường chuyên, lớp chọn, đội tuyển khá phổ biến ở các trường học. Do áp lực về thành tích của cá nhân, nhà trường, hiện tượng dạy, học lệch xảy ra ở một số nơi. Học sinh của đội tuyển, lớp chọn, trường chuyên dường như được các thầy cô, nhà trường thực hiện chế độ “ưu tiên” đặc biệt, chủ yếu chỉ theo môn chuyên. Các môn học khác phần lớn được học theo kiểu “đánh trống, ghi tên”.
Không chỉ các môn học phụ trợ bị coi nhẹ mà ngay cả những môn học chính, nếu không phục vụ thi học sinh giỏi cũng dễ bị bỏ qua nhiều tiết học. Điều đó cũng tác động đến nhận thức học sinh, không ít em chỉ tập trung học môn chuyên, coi nhẹ các môn khác. Vì vậy, nhiều gia đình, thậm chí con em một số giáo viên trong ngành cũng có phần e ngại lớp chọn, đội tuyển vì nguy cơ học lệch.
Hệ lụy
Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi ở từng bộ môn nhằm giúp học sinh có cơ hội phát triển, bộc lộ hết khả năng của mình. Tuy nhiên, vì chạy theo thành tích, không ít giáo viên chỉ chú trọng môn chuyên. Thành tích đạt được đem lại lợi ích ở thời điểm nhất định cho một cá nhân, trường học, địa phương nhưng có thể gây hệ lụy cho những thế hệ “gà nòi” về lâu dài.
![]() |
Lớp chất lượng cao tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang). |
Việc dạy lệch vô hình khiến các em nhận thức không đầy đủ về tầm quan trọng của các môn học khác. Thậm chí, có em trở thành “gà công nghiệp” vì không có thời gian để hòa nhập, phát triển kỹ năng sống. Sau này, trẻ có thể trở thành những chuyên gia giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, kém tự tin trước đám đông, kỹ năng giao tiếp hạn chế, khó có cơ hội phát huy kiến thức.
Nghiêm trọng hơn, học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Trẻ học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội. Đặc biệt, những môn học bị coi là “phụ” như Thể dục, Mĩ thuật hay Âm nhạc... lại càng bị xem thường, học cho xong. Trong khi đó, môn học này giúp giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện thể chất cho học trò để phát triển toàn diện.
Do áp lực về thành tích của cá nhân, nhà trường, hiện tượng dạy, học lệch xảy ra ở một số nơi. Học sinh của đội tuyển, lớp chọn, trường chuyên dường như được các thầy cô, nhà trường thực hiện chế độ “ưu tiên” đặc biệt, chủ yếu chỉ theo môn chuyên. Các môn học khác phần lớn được học theo kiểu “đánh trống, ghi tên”. |
Theo ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, quan điểm chỉ đạo của ngành là các nhà trường coi trọng các môn học như nhau. Với môn chuyên, nhà trường, thầy cô giáo có thể bố trí thời gian nâng cao cho các em nhưng không được cắt xén chương trình các môn học khác, phải thực hiện chương trình theo quy định.
Có thể thấy, mục tiêu của giáo dục là đào tạo, phát triển con người cả đức, trí, thể, mỹ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần có giải pháp hiệu quả hơn chấn chỉnh hiện tượng học lệch như tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình dạy và học trong các nhà trường nói chung, lớp chọn, đội tuyển nói riêng.
Cùng đó, các bậc phụ huynh nên phối hợp chặt chẽ với nhà trường định hướng cho con học đều tất cả các môn. Bản thân mỗi học sinh có thể học và dành nhiều thời gian cho các môn yêu thích nhưng vẫn cần cân bằng giữa các môn học, tham gia hoạt động xã hội để trở thành một con người toàn diện.
Thái Giang
Ý kiến bạn đọc (0)