Những điều chưa biết về Tướng quân Hoàng Đình Điều
Hoàng Đình Điều sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Quê ông ở xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ông là con thứ ba của thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh (tức Cai Kinh) trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở căn cứ Đồng Nai, huyện Hữu Lũng hồi cuối thế kỷ XIX.
Từ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành, ông đã được cha dạy dỗ chu đáo nên sớm giác ngộ lòng yêu nước thương dân; là người ham học hỏi, luôn rèn luyện, trau dồi võ nghệ nên tiến bộ rất nhanh. Ông bắn súng vào loại thiện xạ. Ban đầu khi tham gia phong trào khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh (1882-1888), ông được giao chỉ huy một đội quân, sát cánh cùng với chủ tướng Hoàng Đình Kinh trong các trận đánh nổi tiếng ở Kép, Phủ Lạng Thương, tiêu diệt đồn Than Muội (5-1885), đồn Mai Sao (4-1886).
Đến giữa năm 1888, sau khi chủ tướng Hoàng Đình Kinh bị sát hại, khởi nghĩa tan rã, Hoàng Đình Điều đã đưa các tướng lĩnh và nghĩa quân gia nhập cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm và sau đó là Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh.
Đến với khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Đình Điều trực tiếp chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đề Thám. Ông tham gia trực tiếp các trận đánh lớn ở làng Dương Sặt (nay thuộc xã Liên Sơn), Thế Lộc (nay thuộc xã Tân Trung), huyện Tân Yên. Trong suốt hai năm 1891-1892 chống lại cuộc càn quét của thực dân Pháp vào căn cứ nghĩa quân Yên Thế ở vùng sông Sỏi, Hoàng Đình Điều luôn chiến đấu bên cạnh Đề Thám. Sau đó, ông được Hoàng Hoa Thám giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ mới ở vùng Tam Đảo - Vĩnh Yên.
Hoàng Đình Điều chỉ huy toán quân Tam Đảo cho tới những ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Quân số của ông bị tổn thất nặng nề sau các trận đánh với Pháp, cho đến tận năm 1917, ông mới quy y cửa Phật tại Chùa Vua, lấy pháp danh là Thích Thanh Điều. Chùa Vua được xây dựng từ thời Lê ở phố Thịnh Yên, nay thuộc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thích Thanh Điều khoác áo tu hành, nhưng vẫn bền lòng nuôi chí đánh giặc cứu nước. Ông lấy chùa Vua làm căn cứ hoạt động cách mạng, địa điểm cất giấu tài liệu bí mật trong những năm đầu thời kỳ mới thành lập Đảng, nơi đi về hoạt động của các nhà cách mạng tiền bối như đồng chí Nguyễn Phong Sắc.
Cách mạng Tháng Tám 1945, chùa Vua là trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời tiểu khu 7, nơi cất chứa lương thực, vũ khí của mặt trận phía Nam Hà Nội. Lúc này thiền sư Thích Thanh Điều còn mở lớp dạy võ, vun đắp thêm lòng yêu nước cho thanh niên phố Thịnh Yên.
Ngày 10-4-1956, Hồ Chủ tịch đến thăm chùa Vua.
Trong cuốn: Lịch sử Đảng bộ nhân dân phường Phố Huế đã ghi nhận: “Là một nhà tu hành, ngoài việc Phật, Hòa thượng còn tham gia hoạt động bí mật ngay trong lòng địch dưới hình thức hoạt động tôn giáo từ bi bác ái, nhưng thực tế Hòa thượng lấy cửa chùa làm hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Thiền sư Thích Thanh Điều là một trong những người góp công lập nên kỳ tích lịch sử hào hùng của đất nước”.
Nguyễn Xuân Cần
Ý kiến bạn đọc (0)