Đền Giếng Sấu
![]() |
Phía trước đền Giếng Sấu. |
![]() |
Đền Giếng Sấu, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) - di tích lịch sử, văn hóa đã được UBND tỉnh xếp hạng năm 2012.
Đền khởi dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Nét độc đáo của ngôi đền thể hiện ngay ở tên gọi là: Đền Giếng Sấu. Theo người dân địa phương, sở dĩ di tích có tên gọi như vậy bởi vì ở cạnh đền có một Giếng Sấu tồn tại từ lâu đời, nước trong vắt và không bao giờ cạn. Giếng sâu khoảng 4m, đường kính 3m, được kè bằng đá xanh, dưới đáy gồm nhiều đá cuội và đá gan trâu tạo cho nước có vị ngọt độc đáo. Nhân dân trong bản làng và khách thập phương thường đến đền xin nước lấy phúc cầu may.
Căn cứ vào nguồn di sản Hán-Nôm còn lưu giữ tại di tích cho biết: Đền Giếng Sấu trước đây toạ lạc ở khu đất rộng, thoáng đãng, ngoảnh hướng Tây. Đền xưa có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ đinh gồm toà tiền tế 3 gian 2 chái nối với 2 gian hậu cung. Bên trong các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, chạm khắc cầu kỳ. Trong ngày hội xưa, dân làng tổ chức nhiều nghi thức tế, rước long trọng và các trò chơi dân gian đặc sắc.
Trải qua các cuộc chiến tranh, di tích bị hư hỏng. Khoảng giữa thế kỷ XX, nhân dân địa phương đã hưng công tiền của để dựng lại đền trên nền móng cũ theo kiểu chữ nhất. Những năm gần đây, nhân dân tiếp tục đóng góp tiền của tu bổ, tôn tạo di tích thêm phần khang trang.
Đền Giếng Sấu hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền tế 3 gian nối với 2 gian hậu cung. Tường đền xây cay bên trong phủ vữa quét ve xanh, bên ngoài bắt mạch để mộc. Mái lợp ngói sông Cầu. Bờ nóc được xây bằng gạch chỉ phủ vữa, chính giữa đắp trang trí hình lưỡng long chầu nhật. Hồi phía bên mặt trước xây hai cột đồng trụ, đỉnh cột có đắp trang trí hình bông sen. Các cấu kiện kiến trúc bên trong đền đều được làm bằng gỗ lim bền chắc. Dòng chữ khắc trên bụng thượng lương tòa tiền tế cho biết di tích được tu bổ, tôn tạo năm Giáp Thân (2004).
Đền hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý: Hệ thống tượng thờ bằng gỗ (16 pho), bát hương...Đặc biệt, trong khuôn viên đền còn bảo tồn được Giếng Sấu và nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như đa, sui, móc, phống...có giá trị nghiên cứu khoa học.
Đền Giếng Sấu là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hằng năm, vào ngày hội chính của đền (ngày 16 tháng Giêng) nhân dân trong bản lại mở hội để tưởng nhớ những người có công với dân với nước; tổ chức nhiều tiết lệ khác trong năm tại đền như: Ngày 10 tháng Tư (lễ Vào hè), 16 tháng Bảy (lễ Ra hè) và ngày 15 tháng 11 âm lịch (lễ Tất niên). Ngoài những nghi thức hành lễ, dân bản còn tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo.
Phương Vy
Ý kiến bạn đọc (0)