Từ ấy non sông liền một dải
Trải qua 21 năm đằng đẵng, những bước chân không mỏi của đồng bào, đồng chí, của những Anh giải phóng quân đã tới đích tới cùng. Sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước được ví như chiến thắng Chi Lăng, Bạch Đằng trong thế kỷ XX.
![]() |
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh tư liệu. |
Gần một nửa thế kỷ, nhớ về, nghĩ về dấu son chói lọi đó, lòng ta vẫn dâng trào cảm xúc, theo bước chân thần tốc tiến vào TP Sài Gòn thương yêu, rực rỡ cờ hoa. Nhưng… có một dấu trầm, một khoảng lặng trong khúc tráng ca đất nước. Đã hơn ba tháng qua cả đất nước gồng mình trong cơn bão dịch Covid-19. Các nhà bình luận thế giới nhận xét rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), đây là một cuộc chiến dữ dội và kinh hoàng nhất. Mệnh lệnh mùa xuân 2020 được truyền đi: “Chống dịch như chống giặc!”. Một đất nước còn nghèo, tỷ lệ bác sĩ so với số dân cả nước còn thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu, nhưng đã chiến thắng, như đã từng chiến thắng vẻ vang các thế lực ngoại xâm.
Vì sao Việt Nam chiến thắng? Câu trả lời là chúng ta đã đoàn kết một lòng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Và thật là một kì tích, trong khi thế giới còn chưa tìm ra loại thuốc thì đến ngày 27/4, ở ta chưa trường hợp nào tử vong. Không những thế Việt Nam còn nổi lên như một điểm sáng về lòng nhân ái. Hết lòng chăm sóc, chữa bệnh cho người dân nước Việt ở trong nước và ở nước ngoài trở về; chữa bệnh cho công dân quốc gia khác. Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Sao lúc này bỗng thấy tư tưởng lớn ấy của dân tộc ta luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại!
![]() |
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. |
Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, dân tộc ta, nhân dân ta đã kế thừa truyền thống cha ông từ nghìn năm trước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc đọ sức giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo tàn. Dù là loại hình, phương thức chiến tranh nào, đều dẫn tới thất bại thảm hại.
Để đi tới chiến thắng vĩ đại trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả dân tộc ta đã vượt qua bao biết bao hy sinh, thử thách. Chúng ta cùng nhớ lại, từ đầu tháng 3-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, thực hiện liên tiếp các chiến dịch then chốt, quyết định: Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự, chính trị, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy quân sự khổng lồ và hiện đại của chính quyền tay sai. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 4/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế- Đà Nẵng và Chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu giải phóng Sài Gòn- Gia Định. Trước khi bước vào trận đánh cuối cùng, bộ đội ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang - những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. 5 giờ chiều ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, 5 cánh quân đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập. Dương Văn Minh vừa lên chức Tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Và giờ phút lịch sử đã đến. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng còn vương khói súng, vương bụi chiến hào, phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!
Ôn cố tri tân. Những trang lịch sử tươi ròng và sáng rõ. Thế nhưng, cứ vào dịp dân tộc ta, nhân dân ta kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với niềm tự hào chính đáng, không phải không có những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc lịch sử. Có những tiếng nói lạc lõng: Lúc này hãy chỉ nên nói tới sự hòa giải, hòa hợp dân tộc mà không nên nói tới cụm từ "giải phóng miền Nam" nữa (!). Nói như vậy là cố tình đánh tráo khái niệm. Suốt mấy chục năm qua, chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta là hòa hợp dân tộc, tạo mọi điều kiện để mỗi người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước lao động, cống hiến, xây dựng đất nước phát triển. Giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối. Ngày miền Nam giải phóng là ngày đồng bào ta thoát khỏi ngục tù, xiềng xích của chế độ thực dân mới. Khép lại quá khứ không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử. Không ai có thể quên những tội ác tày trời của quân xâm lược. Khép lại quá khứ là để hướng tới tương lai. Đó là minh triết, là nhân nghĩa Việt Nam.
Minh triết Việt Nam là hướng tới tương lai trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng. Vào những ngày này, đồng chí, đồng bào cả nước đang tập trung vào những công việc to lớn, hệ trọng của Đảng ta, đất nước ta, tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Minh triết Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn: Nước độc lập, hòa bình mà dân còn nghèo khổ thì hòa bình, độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đại hội đảng sẽ bàn đến những chủ trương, nhiệm vụ chiến lược, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH (2011 - 2020); kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2015 - 2020). Điều quan trọng nhất là xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp ổn định, phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Chúng ta cùng hình dung về dáng vóc Việt Nam, vị thế Việt Nam khi Đảng ta tròn 100 tuổi vào năm 2030, khi nước ta tròn 100 tuổi vào năm 2045. Đất nước ta sẽ tiếp tục con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ra sao? Chúng ta sẽ chủ động đón bắt và bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như thế nào? Đó là những câu hỏi lớn của dân tộc, của thời đại, nhưng bao giờ cũng phải bắt đầu từ những người chèo lái con thuyền cách mạng.
(BGĐT) - Họ từng khoác trên mình sắc phục Quân đội nhân dân Việt Nam, từng chiến đấu trên nhiều chiến trường khác nhau. Và đặc biệt hơn, họ đều là một trong nhiều người may mắn được tham gia, chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc- chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975. Dù đã 37 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm,về cuộc chiến không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ.
Hải Đường
Ý kiến bạn đọc (0)