Bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp
BẮC GIANG - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, bên cạnh triển khai nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang còn quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn.
Xử lý nghiêm vi phạm
Để xây dựng môi trường xanh trong các KCN, CCN, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cơ sở hạ tầng quan tâm đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; lập thủ tục môi trường đối với các CCN chưa có thủ tục môi trường tương ứng; thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; rà soát đấu nối, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm đạt quy chuẩn; chuyển giao, phân loại, xử lý chất thải đúng quy định...
Một góc Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên). Ảnh: Quốc Trường. |
Năm 2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại các KCN, CCN. Hiện 100% các KCN trên địa bàn đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (tỷ lệ này ở các CCN là hơn 60%). Hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường cũng được đầu tư xây dựng. Đến nay, hàng chục DN ở các KCN, CCN của tỉnh đã lắp trạm quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về môi trường được chú trọng.
Thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), 7 tháng năm nay, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh và Sở lập biên bản xử lý 13 cơ sở, DN vi phạm về môi trường, với tổng số tiền thu phạt hơn 6 tỷ đồng (tăng 6 vụ so với cả năm 2023), trong đó có 10 vụ ở các KCN, CCN như: Song Khê-Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám. Lỗi vi phạm phần lớn là triển khai xây dựng, đưa dự án vào hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục về môi trường; một số cơ sở hoạt động xử lý, xả nước thải chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, 7 tháng năm nay, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh và Sở TN&MT lập biên bản xử lý 13 cơ sở, DN vi phạm về môi trường, tổng tiền thu phạt hơn 6 tỷ đồng (tăng 6 vụ so với cả năm 2023), trong đó có 10 vụ ở các KCN, CCN). |
Đáng chú ý, trong số các DN nêu trên, có DN vi phạm nhiều lần như Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet (gọi tắt là Công ty Boviet), KCN Song Khê-Nội Hoàng (TP Bắc Giang). Năm 2023, Công ty đã bị tỉnh lập biên bản xử phạt vi phạm gần 1,9 tỷ đồng về hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Tháng 7 mới đây, DN lại bị xử phạt tổng số khoảng 3,7 tỷ đồng về các hành vi: Xả nước thải có chứa một số thông số (như Florua, COD, Amoni, Sắt…) vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường; không bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại và phân loại chất thải nguy hại theo quy định.
Trong tháng 5 và 6 vừa qua, Sở TN&MT cũng tham mưu cho tỉnh ban hành 2 quyết định xử lý đối với Công ty TNHH Seojin Việt Nam cũng ở KCN Song Khê - Nội Hoàng về hành vi không có giấy phép môi trường đã triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy và thuê nhà xưởng tổ chức sản xuất.
Ông Phạm Trí Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, một số DN tại các KCN, CCN vi phạm, ngoài các lỗi chủ quan còn do DN bị áp lực về đơn hàng hoặc có nguy cơ bị mất đơn hàng nếu không triển khai sản xuất. Ví như Công ty Boviet, hệ thống xử lý nước thải của DN có lưu lượng xả thải khoảng 2.000 m3 nước/ngày đêm. Để khắc phục, xử lý hệ thống xả thải đạt chuẩn, DN phải ngừng toàn bộ sản xuất. Tuy nhiên, do đang thực hiện dở các đơn hàng, dừng hoạt động sẽ gây thiệt hại nặng nề nên việc khắc phục hậu quả vi phạm của DN chưa triệt để. Ngoài các nguyên nhân trên còn do việc kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN chưa chặt chẽ, sát sao; có chủ đầu tư phát hiện DN xả thải chưa đúng quy định nhưng không báo cáo cơ quan chuyên môn xử lý kịp thời.
Tích cực phòng ngừa ô nhiễm môi trường
Được biết, để ngăn ngừa vi phạm về môi trường tại các KCN, CCN, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, ngày 2/8 vừa qua, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, TP và chủ đầu tư hạ tầng tích cực thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường. Đơn cử như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật môi trường của tổ chức, DN; rà soát các DN hoạt động tại các KCN, CCN thuộc trách nhiệm quản lý, yêu cầu lập thủ tục pháp lý, đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, sự cố về môi trường; giám sát hoạt động xả khí thải, nước thải; kiểm soát chặt chẽ quá trình tập kết, lưu giữ, quản lý và sử dụng hóa chất; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố môi trường tại các KCN, CCN...
Cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của một DN trong KCN Vân Trung. |
Theo ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, bên cạnh các giải pháp trên, để nâng cao trách nhiệm, tăng tính răn đe phòng ngừa vi phạm về môi trường tại các KCN, CCN, Sở kiên quyết tham mưu, xử lý nghiêm các chủ đầu tư hạ tầng thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm. Đơn vị vừa lập biên bản và đang xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư hạ tầng một KCN của tỉnh về hành vi không kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện mẫu nước thải của DN vượt mức cho phép. Ngoài ra, để thu hút, tạo thuận lợi cho các DN đầu tư vào địa bàn, Sở chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực phối hợp, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về môi trường theo quy định. Cùng đó, tăng cường việc hậu kiểm tra sau cấp phép môi trường…
Với quan điểm của tỉnh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thu hút đầu tư, các sở, ngành chuyên môn và chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN, các huyện, thị xã, TP nên tham mưu, ưu tiên lựa chọn, thu hút vào địa bàn các DN có công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng sinh thái, công nghệ sạch, quá trình hoạt động ít gây tác động xấu đến môi trường.
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)