Báo Mỹ đánh giá Việt Nam thành công trong việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ bàn giao công việc của Thủ tướng Chính phủ chiều 8/4. |
Tác giả bài viết nêu rõ: Việt Nam đã có một quá trình phát triển kinh tế đáng kinh ngạc khi vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong hai thập kỷ qua. Để có được thành tựu này trước hết là do thể chế lãnh đạo tại Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã có được sự ổn định về mặt chính trị, tạo đà cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế cũng như tạo nên sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có một bộ máy lãnh đạo có tâm và có tầm.
Trước hết phải kể tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ, qua đó đã tạo niềm tin cho người dân Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người từng là Thủ tướng Việt Nam trước khi được các đại biểu Quốc hội khóa XIV bầu vào vị trí Chủ tịch nước vào ngày 5/4 vừa qua. Trong thời gian đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lãnh đạo chính phủ đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành một trong nước có sức tăng trưởng nhanh nhất khi năm 2018.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 7,08%, đầu tư nước ngoài đạt mức cao, với gần 30 tỷ USD, tăng 44% vào năm 2017 khi Việt Nam bắt đầu nhận thấy các lợi ích của các công ty đa quốc gia, như Apple, đang dịch chuyển dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam.
Ngay cả trong khi các nước trên thế giới phải vật lộn chống chọi với đại dịch Covid-19, nền kinh tế của nhiều nước rơi vào suy thoái song Việt Nam ở giữa đại dịch, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2,9% vào năm 2020.
Bài báo cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Phạm Minh Chính cũng sẽ thực hiện tốt các nội dung đề ra trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sở dĩ bài báo nhận định như trên xuất phát từ những thành công của ông Phạm Minh Chính trước khi được bầu vào vị trí Thủ tướng Chính phủ khi ông đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015. Ông đã có nhiều chỉ đạo đột phá và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong phát triển kinh tế, quy hoạch, chính trị và xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ở thời điểm đó, Quảng Ninh là một hiện tượng của khu vực phía Bắc về phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là từ một “nền kinh tế nâu”, chủ yếu dựa vào khai thác than đá chuyển sang một nền kinh tế xanh. Sau khi được Bộ Chính trị phân công về giữ vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Minh Chính phụ trách công tác cán bộ của Đảng và nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương.
Ông Phạm Minh Chính từng trải qua nhiều cương vị công tác, điều này mang lại một làn gió mới không chỉ cho kinh tế mà còn cả chính sách đối ngoại.
Trong khi các vị trí mới sẽ được xác nhận một lần nữa tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới vào tháng 7 tới, chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam vào một kỷ nguyên mới, với việc áp dụng các công nghệ mới trong các ngành công nghiệp dựa trên tri thức, bao gồm cả mạng 5G, cho phép Việt Nam khai thác công nghệ tiên tiến.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)