Bắc Giang xuất khẩu 50% vải quả sang Trung Quốc: Đàng hoàng, tấp tểnh vui
Trung Quốc đã siết chặt nhập khẩu nông sản qua con đường tiểu ngạch, cửa khẩu phụ; kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm mặt hàng này qua con đường chính ngạch. Đây là cơ hội cho bà con nông dân được phát triển sản xuất bền vững, thoát khỏi tình trạng “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”, bị thương lái thôn tính thị trường.
Tuy nhiên, nhiều thách thức cần được đặt ra. Đã đến lúc bà con nông dân phải thay đổi không ít quan điểm trong sản xuất, làm giàu. Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng cũng cần phải chung sức hơn nữa trong việc ứng phó này.
Vải thiều Bắc Giang được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. |
Trong những ngày này, Bắc Giang cũng như nhiều tỉnh có sản vật quả vải, đã cơ bản hoàn tất nhiều điều kiện để mặt hàng này được xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quyên ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, là một trong những hộ sản xuất cá thể. Trước đây chỉ làm ruộng một vụ, trồng lúa, thu hoạch rất thấp. Từ năm 1995, anh cùng bà con nơi đây đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cây vải.
Anh Quyên cho hay: “Trước kia, gia đình mình trồng lúa, thu nhập chỉ đủ ăn. Từ khi chuyển sang trồng vải, các hộ gia đình đã có của ăn, của để. Mỗi vụ thu được vài trăm triệu đồng. Điều quan trọng là chúng tôi đã áp dụng nghiêm túc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, GlobalGAP là một bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Thông qua việc chứng nhận, các nhà sản xuất chứng minh việc thực hiện tiêu chuẩn GlobalGAP của mình.
Đối với người tiêu dùng và các nhà bán lẻ, giấy chứng nhận GlobalGAP là sự bảo đảm rằng thực phẩm đạt được mức độ chấp nhận về an toàn và chất lượng, và quá trình sản xuất được chứng minh là bền vững và có quan tâm đến sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động, môi trường, và có xem xét đến các vấn đề “phúc lợi” của vật nuôi. Nếu không có sự bảo đảm này, người sản xuất nông nghiệp có thể bị thị trường từ chối.
Trong khi, trước đó, người dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Quyên ở Lục Ngạn, Bắc Giang chia sẻ về việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng vải. |
Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang (Sở NN & PTNT tỉnh Bắc Giang), mà cốt cán là những cán bộ kĩ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ bà con trong việc thực hiện đúng quy trình sản xuất.
Bà con được hướng dẫn chi tiết từ vệ sinh vườn, không chăn thả gia súc, gia cầm trong vườn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm với việc sử dụng thuốc, phòng trừ sâu bệnh, đúng với thuốc cho phép được sử dụng trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây vải, cây ăn quả…
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGAP. |
Toàn tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích vải thiều 28.352 ha, ước tính sản lượng đạt khoảng 150 nghìn tấn. Đáng ghi nhận là diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.855 ha, sản lượng ước đạt tới 75 nghìn tấn, diện tích trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, sản lượng ước đạt 1,1 nghìn tấn.
Tuy nhiên, những vụ mùa trước, cũng như nhiều địa phương khác, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vẫn tồn tại những phương thức thu mua, chế biến, đóng gói chưa thực sự đáp ứng được tình hình thực tế, nhất là điều kiện đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc xuất khẩu nông sản.
Ông Vũ Lệnh Sánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Do tập quán từ trước đến giờ, các hộ có địa điểm mặt đường, đứng ra thu mua gom, sau đó thuê nhân lực tại địa phương tự đóng gói, phân loại tốt, xấu. Các thương lái Trung Quốc đã đặt hàng cùng giám sát”.
Ông Vũ Lệnh Sánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. |
Tại thời điểm này, Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng với diện tích khoảng 16 nghìn ha trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Xin lưu ý, tổng diện tích nơi đây là hơn 28 nghìn ha. Về đăng ký cơ sở đóng gói, mới chỉ có 7 cơ sở đóng gói đã được Trung Quốc chấp nhận, còn 79 cơ sở mới đang được nước bạn xem xét chấp nhận. Như vậy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng việc xuất khẩu nông sản sang một thị trường chính, đầy tiềm năng, nhưng trước mắt và lâu dài các ban ngành chức năng cũng cần phải gấp rút có những bước đi bài bản, năng động".
Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Việc tiêu thụ trong nội địa rất quan trọng, tuy nhiên, thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc tiêu thụ tới hơn 50% sản lượng. Do vậy chúng tôi ưu tiên thị trường này, bên cạnh việc chủ động tổ chức hội nghị tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại ngay tại tỉnh Bắc Giang, mời rất nhiều doanh nhân, thương dân Trung Quốc; đưa các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc thăm thực tế các vùng trọng điểm của Bắc Giang, để từ đây phía bạn hiểu rõ hơn về quy trình chăm sóc, chất lượng quả vải cũng như triển khai cách thức tổ chức tiêu thụ”.
Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang. |
Hiện nay Trung Quốc đã áp dụng quy định về mã vùng trồng, mã xưởng với mặt hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam. Và sắp tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây quả là một thách thức không nhỏ với bà con nông dân.
Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Thách thức đầu tiên là chất lượng lao động ở nông thôn còn thấp, một bộ phận nông dân thiếu kiến thức canh tác, khả năng tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thứ hai là tập quán làm ăn riêng lẻ, tự phát và một bộ phận nông dân còn nặng tâm lý sản xuất theo kiểu cá thể, manh mún, nhỏ lẻ. Hiện chưa có nhiều các vùng chuyên canh, bảo đảm chất lượng, đáp ứng điều kiện về diện tích để cấp mã vùng”.
Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. |
Ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, PTNT khẳng định: “Chúng ta đã tiến hành hội nhập rất nhanh, sâu rộng và kết quả hội nhập đem lại rất tốt cho việc mở rộng thị trường và phát triển xuất khẩu. Nhưng đã ra biển lớn thì chúng ta phải ứng xử đúng với tư cách làm ăn chuyên môn hóa cao độ. Các cơ quan nhà nước phải tập trung phối hợp rất đồng bộ với nhau ngay từ khâu đàm phán, cho đến khâu triển khai các hiệp ước đã ký kết; Việc quản lý phải được chuyên môn hóa, đội ngũ cán bộ cần được xây dựng tốt hơn”.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, PTNT. |
Trung Quốc đang là thị trường chính của nông sản Việt Nam, nhưng chúng ta cũng đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các nước ASEAN và hàng sản xuất ngay tại Trung Quốc với sản lượng ngày càng cao, giá rẻ. Đây sẽ là “rào cản” lớn nhất với nông sản Việt Nam.
Dây chuyền chế biến vải. |
Hiện nay, hầu hết các nước đều tiến tới kiểm soát gắt gao tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu. Việt Nam cần chủ động thay đổi phù hợp thông lệ quốc tế để hội nhập. Rõ ràng, đã ra biển lớn thì phải chuyên môn hóa cao độ.
PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)