Bắc Giang: Về Hạ Lát nghe thần tích Thạch Tướng quân
Thôn Hạ Lát nằm giữa trung tâm xã Tiên Sơn (Việt Yên) có 607 hộ với 2.375 nhân khẩu, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hạ Lát hôm nay không chỉ là vùng quê quan họ nổi tiếng trù phú, thấm đượm làn điệu dân ca mà còn là mảnh đất cổ với những công trình di tích hàng trăm tuổi. Đó là đình Hạ Lát, di tích Ao Miếu, chùa Vân Sơn, chùa Thạch Long. Những công trình này đều được công nhận di tích cấp tỉnh. Riêng đền Ao Miếu được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2012.
Đền Ao Miếu - thôn Hạ Lát thờ Thạch linh thần tướng. |
Đền Ao Miếu thờ Thạch Linh thần tướng (nghĩa là thần Đá). Phía sau đền là một ao nhỏ có những phiến đá lạ, đẹp mắt, tạo nên hình thù linh vật như hình con rùa, gọi là Thạch Long. Những khối đá này tương truyền là mẹ đá sinh ra Thạch Linh thần tướng. Tại đây, phát tích tục thờ đá gắn liền với tín ngưỡng thờ Thạch Linh thần tướng ở chùa Bổ Đà. Đền Ao Miếu vừa được nhà nước cấp kinh phí tôn tạo cùng với sự đóng góp của người dân trong thôn nên xây dựng rất quy mô. Tại đền chính thờ vị thần Đá, tiếp đến là đền Mẫu thờ người sinh ra vị tướng Thạch Linh.
Thần tích về Thạch Tướng quân được kể giống như câu chuyện về Thánh Gióng, được khắc toàn văn lên một bia đá đặt ngay bên cạnh đền. Nội dung kể về một gia đình người nông dân nọ, nhiều tuổi chưa có con. Cạnh nhà có một ao nhỏ nước xanh thẳm, giữa ao có một phiến đá lớn đẹp nổi tiếng trong vùng. Vào một đêm mưa gió dữ dội, sấm chớp ầm ầm đến sáng (ngày 10 tháng Giêng) ở nơi phiến đá có tiếng nổ long trời lở đất. Mây mù tan dần, trời đất trở lại phong quang, phiến đá vỡ ra làm ba và có một đứa trẻ có tướng mạo đẹp đẽ, khác thường. Gia đình người nông dân này đưa cậu bé về nuôi.
Khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho tìm người tài để giúp nước. Sau một cơn mưa giông, sấm chớp, trên trời thả một lá cờ trắng có ghi “Huy khâm thượng đế” báo cho vua biết muốn quét sạch giặc hãy đến đất Yên Việt xứ Bắc Hà sẽ có người giúp. Nhà vua ra lệnh cho các quan triều đình về ngay đất Yên Việt xứ Bắc Hà đến trang Tiên Lát loa truyền tìm người tài đi đánh giặc giúp nước (hôm đó là ngày 10 tháng hai). Nghe tiếng gọi loa, đứa trẻ tên là Thạch Công ấy liền đứng dậy, nói với sứ giả rằng, mang một con voi đá 10 trượng và trao lá cờ Thiên đế thì tất sẽ trừ được giặc. Sau khi đánh thắng quân giặc, Thạch Tướng cưỡi voi thẳng về Trang Tiên Lát thả voi ra và lên núi Phượng Hoàng để lại áo mũ bay thẳng lên trời. Đến đời vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, voi ngựa đi qua đền thờ Thạch Tướng hí vang và phủ phục không chịu đi. Vua ra xem thấy ngôi đền bèn cầu đảo thần (nguyện âm phù giúp nước). Voi ngựa lại đi đánh giặc được. Sau khi đất nước thanh bình, vua Lý làm lễ tạ và phong thần 4 chữ: “Hiền Ứng Linh Thông” - Hương hỏa vô cùng còn mãi với trời đất thanh bình ngự trị.
Với những truyền tích hư ảo như vậy đã chứng minh về thời kỳ cư dân thời đá mới đã xuất hiện ở vùng Tiên Sơn. Ngày nay, phía trước Đền có một hồ nước rộng trong xanh. Nơi đó là một “sân khấu” nước cho những ngày hát hội quan họ. Các anh Hai, chị Hai ở thôn Hạ Lát thường đi thuyền hát trên hồ nước ấy.
Những công trình lịch sử mang giá trị lâu đời như vậy ở Hạ Lát là nền tảng giúp dân ca quan họ có không gian sống và phát triển trong lòng cộng đồng.
Nguyễn Thị Thu Hà
Ý kiến bạn đọc (0)