Bắc Giang: Tập trung sắp xếp, xử lý nhà, đất công dôi dư
BẮC GIANG - Ngay sau khi có kết quả giám sát của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh và các ý kiến tại kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX vừa qua về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ngày 17/7, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp kiểm điểm kết quả thực hiện Kết luận 48/KL-UBND ngày 30/01/2024 (Kết luận số 48) của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị.
Hội nghị cũng nhằm triển khai thực hiện kiến nghị của Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh tại Báo cáo số 81/BC-ĐGS ngày 20/6/2024 về kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Xây dựng phương án cho từng cơ sở
Thực hiện Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã rà soát tổng thể; xây dựng kế hoạch, phương án cho từng công trình, diện tích đất.
Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì cuộc họp. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, toàn huyện hiện có 32 cơ sở nhà, đất dôi dư, không sử dụng hoặc ít sử dụng. Trong đó chủ yếu là điểm trường lẻ (do trường được xây dựng ra khu đất mới, không có nhu cầu sử dụng). Địa phương đã có phương án sắp xếp cụ thể các điểm trường, do diện tích nhỏ, giáp khu dân cư nên chủ yếu để lại làm các khu vui chơi công cộng, khu cây xanh trong khu dân cư.
Riêng 3 cơ sở dôi dư sau khi sáp nhập địa giới hành chính là Trạm Y tế xã Phi Mô (cũ), Trạm Y tế thị trấn Kép và Trạm Y tế xã Tân Thịnh (cũ), đến nay đã được sắp xếp xong, bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng. Đối với nhà, đất Kho bạc Nhà nước Lạng Giang (cũ), căn cứ quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện đã có phương án làm khu đất cây xanh của thị trấn Vôi. 3 nhà văn hóa thôn đã cũ, ít sử dụng, có phương án làm khu cây xanh, công cộng trong khu dân cư gồm: Nhà văn hóa thôn Hạ, thôn Hòa, xã Nghĩa Hòa; thôn De, xã Nghĩa Hưng…
Cơ bản các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được UBND huyện điều chỉnh, bổ sung vào phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Lạng Giang đến năm 2030, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 27/3/2024. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh việc rà soát sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà, đất theo đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng thông tin, huyện có 41 cơ sở nhà, đất chưa sắp xếp. Trong đó, chủ yếu vẫn là nhà văn hóa thôn; cơ sở giáo dục; trụ sở sau sáp nhập. Đối với nhà văn hóa thôn không thuộc diện sắp xếp theo quy định, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn quản lý, đề nghị giữ lại tiếp tục sử dụng.
Đối với 1 điểm trường mầm non khu lẻ thuộc thôn Đông Thắng, xã Tiến Dũng, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Tiến Dũng kiểm tra đánh giá hiện trạng và các điều kiện để lập phương án. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy Ban quản lý thôn Đông Thắng đã tự ý làm khu nhà tưởng niệm và làm điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân. Trên bản đồ quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021-2025 đang thể hiện đất hiện trạng là đất giáo dục. Huyện đề nghị giữ lại tiếp tục sử dụng và điều chỉnh quy hoạch vào giai đoạn 2025-2030. Đối với 1 nhà văn hóa thôn Hấn, xã Hương Gián, UBND huyện đã giao UBND xã kiểm tra việc cho thuê đối với cơ sở kinh doanh đang sử dụng, yêu cầu thôn thanh lý hợp đồng và, báo cáo bằng văn bản xong trong tháng 7/2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin tình hình xử lý tài sản công tại địa phương. |
Lãnh đạo huyện Yên Dũng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành hướng dẫn liên ngành về công tác sắp xếp, xử lý nhà, đất công, đặc biệt đối với cơ sở dôi dư, không sử dụng; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng quan tâm hướng dẫn thủ tục về quy hoạch, đất đai để giúp huyện tháo gỡ khó khăn đối với một số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được chỉnh lý thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mở rộng diện tích, đổi đất, hiến đất, điều chuyển… Đối với một số nhà văn hóa thôn (bản), đề nghị cho phép giữ lại làm cơ sở sinh hoạt cộng đồng, cụm dân cư phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao.
Ngoài ra, các trụ sở dôi dư của các cơ quan T.Ư đứng chân trên địa bàn tỉnh gồm: Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh chuyển giao về UBND thành phố Bắc Giang quản lý, xử lý, hiện đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Với các trụ sở: Tòa án nhân dân huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên), BHXH huyện Yên Dũng, BHXH huyện Yên Thế, Kho bạc Nhà nước huyện Lạng Giang, 19 cơ sở nhà, đất thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh chuyển giao về UBND các huyện, thị xã quản lý, xử lý. Hiện nay, UBND các huyện, thị xã đang rà soát, tổng hợp trình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng làm cơ sở xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất theo quy định…
Đồng chí Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam nêu một số khó khăn trong quá trình xử lý tài sản công. |
Sắp xếp theo đúng quy định, phù hợp với thực tiễn địa phương
Đại diện một số địa phương, cơ quan, đơn vị cũng trao đổi, thảo luận về giải pháp tháo gỡ vướng mắc khi phải thanh lý, bàn giao tài sản trên đất; thủ tục đất đai, quy hoạch, việc chuyển giao các cơ sở nhà, đất của các cơ quan T.Ư về địa phương quản lý; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cơ sở nhà, đất công không sử dụng, sử dụng sai mục đích…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích. Thậm chí có cơ sở của cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn bỏ không kéo dài, chậm được giải quyết. Đồng chí nhấn mạnh, kết quả giám sát của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh vừa qua đã chỉ rõ còn hơn 700 cơ sở, chiếm khoảng 12% trong tổng số tài sản công chưa phát huy hiệu quả. Các cơ sở này nhỏ, chủ yếu là trụ sở nhà văn hóa ở khu vực miền núi.
Thời gian tới, bám sát chỉ đạo, kiến nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đưa ra phương án xử lý tài sản theo đúng quy định, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy công năng của tài sản. Nếu thay đổi về phương án xử lý thì cần điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục. Tập trung xử lý 71 cơ sở nhà, đất đã không sử dụng nhiều năm, đang xuống cấp nhanh, có nguy cơ tiềm ẩn hậu quả pháp lý phức tạp (theo Báo cáo giám sát số 81/BC-ĐGS ngày 20/6/2024 của HĐND tỉnh) gồm: Cơ sở là tài sản không sử dụng kéo dài, gây lãng phí, bức xúc; nhà tập thể đổ nát; nhà, đất công đang có hộ dân sử dụng; một số cơ sở nhà, đất có vấn đề cần giải quyết; tài sản công đầu tư nhưng không đạt mục tiêu, gây lãng phí; cơ sở nhà, đất đang cho thuê, cho mượn kinh doanh; cơ sở nhà, đất chưa có hồ sơ thuê đất, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp.
Đồng chí yêu cầu Sở Tài chính rà soát, tham mưu hoàn thiện các quy định của địa phương để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và các quy định của T.Ư làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị và huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác quản lý tài sản công. Trong năm nay, phấn đấu hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt xong phương án xử lý, năm 2025 tiến hành sắp xếp, không để lãng phí nguồn lực.
Các đơn vị, địa phương cần xác định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở phương án đang trình hoặc đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lại các tài sản công dôi dư ở cấp xã, cấp huyện, đánh giá kỹ tính khả thi của việc xử lý từng tài sản công theo phương án được duyệt hoặc đang trình duyệt. Đối với tài sản công đã đầy đủ các điều kiện thực hiện theo phương án được duyệt thì chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo. Đối với các trường hợp qua rà soát đang vướng mắc về trình tự, thủ tục, UBND cấp huyện phải chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn.
Việc sắp xếp, xử lý được thực hiện trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tin, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)