Bắc Giang tập trung phát triển kinh tế số
Đưa sản phẩm lên mạng Internet
Hơn chục năm trước, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam) chỉ là một cơ sở thu mua, sơ chế một số loại cây thuốc có sẵn trên địa bàn. Quy mô nhỏ bé, giao dịch với khách hàng chủ yếu bằng cách truyền thống nên mặc dù sản phẩm chủ lực là trà hoa vàng khá độc đáo, có giá trị dược tính cao, nhu cầu của thị trường lớn nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Lắp ráp cánh tay robot tại Công ty TNHH Seojin Vina (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng).
|
Để mở rộng thị trường, đầu năm nay, HTX nâng cấp trang web Duoclieutruongson.com. Trước đó, trang web này đã được xây dựng nhưng nội dung đơn điệu, thiếu một số thông tin cần thiết, chưa thu hút nhiều lượt tương tác, tìm kiếm.
Ông Nguyễn Văn Lựu, đại diện HTX cho biết, giao diện mới của trang có nhiều hình ảnh, clip, thông tin liên quan, đường dẫn những liên kết khác và thường xuyên cập nhật sản phẩm mới, công dụng, giá bán, liên hệ để đặt hàng. Các chương trình giảm giá, khuyến mãi… được bố trí bắt mắt, hợp lý nên được nhiều người truy cập.
Thời gian qua, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh nhưng HTX tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, có thêm nhiều sản phẩm, đa số khách hàng đặt hàng online. Trà hoa vàng của HTX được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao, liên tục đoạt cúp sản phẩm nông nghiệp quốc gia, năm nay có doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Với Công ty TNHH Tư vấn và Giáo dục BNA (TP Bắc Giang) trong hoàn cảnh khó khăn đã tìm ra cách thích ứng mới. Là doanh nghiệp (DN) có thế mạnh về tư vấn giáo dục, đào tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp (startup), đối tác chủ yếu của BNA là các DN vừa và nhỏ. Trước đây, Công ty tổ chức nhiều hoạt động cung cấp giải pháp, nâng cao văn hóa DN…
Trong hoàn cảnh phải phòng, chống dịch Covid-19, không thể tổ chức các hoạt động trực tiếp tập trung đông người, Công ty nhanh chóng xây dựng và sử dụng văn phòng số, tận dụng tối đa các nền tảng xã hội, nâng cấp kênh youtube, website, fanpage, mạnh dạn đưa các nội dung tư vấn, hỗ trợ đào tạo lên facebook, zalo, tiktok…
Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và giáo dục BNA (TP Bắc Giang) Vũ Văn Hùng. |
Anh Vũ Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty nói: “Để đáp ứng xu hướng, nhu cầu của khách hàng, các DN đối tác, người lao động về học online, chúng tôi đầu tư mạnh cho việc đào tạo trong môi trường mạng Internet. Khách hàng của Công ty không chỉ ở Bắc Giang mà đã mở rộng sang Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Tuyên Quang…
Khối lượng công việc đã chuyển sang số hóa khoảng 60%. Thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng dữ liệu, giải quyết công việc và chăm sóc khách hàng”.
Hiện nay, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 10/63 tỉnh, TP về mức độ chuyển đổi số (CĐS), trong đó KTS xếp thứ 14. Đây là tín hiệu đáng mừng để Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTS, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và DN.
Số hóa các hoạt động kinh tế
Trao đổi với anh Dương Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN tỉnh Bắc Giang (BECA Center), được biết trong quá trình tiếp xúc, làm việc với các DN, Trung tâm nhận thấy nhiều DN chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số trong công việc thực tế.
“Điều này xuất phát từ người đứng đầu, các chủ DN do có suy nghĩ CĐS hoặc số hóa hoạt động kinh tế là cái gì đó phức tạp, ngại đổi mới, không muốn thay đổi thói quen làm việc truyền thống, có người lại sợ mất an toàn, gặp rủi ro… Đây là lực cản không nhỏ đối với nền KTS của tỉnh” – anh Sơn đánh giá.
Để xóa bỏ điểm nghẽn này, BECA Center liên tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho hàng trăm DN. Trong quá trình bồi dưỡng kiến thức, Trung tâm đều đưa ra những ví dụ, tình huống gần nhất với thực tiễn, sát tình hình, thực trạng của DN Bắc Giang và những giải pháp nếu áp dụng số hóa, CĐS.
Từ đó, chủ DN và người lao động ở các DN nhận thấy ưu thế, lợi ích mang lại, thay đổi nhận thức và hành động, có động lực tích cực tham gia nền KTS. Qua khảo sát có 13% số DN sau khi tham gia các lớp tập huấn đã trực tiếp mời giảng viên về đơn vị mình để trao đổi sâu hơn về KTS và CĐS.
Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 25% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số của từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hằng năm tăng hơn 12,5%; phấn đấu có hơn 800 DN số. |
Ông Nguyễn Khang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu về KTS, chúng tôi thấy Công ty là một trong những nhà phân phối giống nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này. Khách hàng, đối tác muốn tìm hiểu về DN và các sản phẩm trên môi trường mạng còn thiếu thông tin, chưa thuận tiện. Chúng tôi xác định phải số hóa từ quản trị DN, điều hành công việc, giới thiệu sản phẩm đến đẩy mạnh truyền thông”.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, Sở có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN triển khai giải pháp kết nối với các DN viễn thông. Cung cấp các phân tích dữ liệu lớn về tình hình và xu thế thị trường trong và ngoài nước… trên cổng dữ liệu mở (Open Data) của tỉnh, giúp các DN định hướng, xây dựng chiến lược và kế hoạch CĐS để phát triển KTS phù hợp. Đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT… định hướng cho các DN theo chiến lược phát triển nền KTS thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, đến tháng 11/2021, Sở đã lựa chọn được 100 DN để tham gia chương trình hỗ trợ khối DN nhỏ và vừa CĐS. Hiện đang trong quá trình khảo sát nhu cầu của DN để đưa các gói hỗ trợ phù hợp như CĐS kế toán, quản lý nhân lực, tiêu thụ sản phẩm... Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai phần mềm quản lý sức khỏe DN giúp cho việc theo dõi, nắm bắt tình hình nhanh chóng, chính xác và đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Trong thời gian tới, các sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và Hiệp hội DN tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử đa dạng trên những sàn thương mại điện tử lớn để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng DN. Tạo điều kiện hỗ trợ các DN phát triển hạ tầng, giải pháp giao dịch điện tử thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code... bảo đảm an toàn. Gắn liền với đó là đào tạo, sử dụng nhân lực phục vụ KTS, làm chủ công nghệ số, tạo nguồn lực thực hiện các hoạt động KTS ở các DN.
Ý kiến bạn đọc (0)