Bắc Giang: Tăng cơ hội việc làm cho lao động nông thôn
Chọn nghề phù hợp
Theo bà Phạm Thị Nhài, Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH, kết quả rà soát cho thấy, sau đào tạo, có khoảng 86% lao động nông thôn (LĐNT) tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng nâng cao năng suất, thu nhập. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 30,8% năm 2009 lên gần 70% năm 2019. Hiệu quả rõ rệt nhất mà Đề án 1956 mang lại là việc thay đổi tư duy lao động, sản xuất của người dân. Với nhóm nghề nông nghiệp, người dân đã dần từ bỏ thói quen canh tác manh mún, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
![]() |
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động xã Ngọc Thiện (Tân Yên). |
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Mỹ (SN 1973), thôn Chùa, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) vừa kết hợp nuôi hơn 500 con gia cầm mỗi năm với nuôi cá, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Trước đây do chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kinh nghiệm nên có đợt vật nuôi bị dịch bệnh chết gần hết. Từ năm 2018, sau ba tháng tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y, tôi nắm vững kiến thức phòng dịch, biết cách chọn giống tốt, chăm sóc đúng quy trình, vệ sinh chuồng trại nên mới mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô”. Với diện tích đất trũng lớn, thuận lợi cho nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ năm 2012 đến nay, xã Tiến Dũng xây dựng kế hoạch, mở hơn 20 lớp đào tạo nghề chăn nuôi - thú y, trồng trọt tại các thôn. Đến nay, nhiều mô hình do người dân đã qua học nghề được nhân rộng, phát huy hiệu quả.
Tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động dạy nghề cho LĐNT từ năm 2010 đến nay khoảng 180 tỷ đồng, trong đó vốn T.Ư hơn 150 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương đối ứng. Tổng số LĐNT được hỗ trợ đào tạo theo Đề án 1956 trong 10 năm qua là hơn 54 nghìn người. |
Ông Phạm Trí Dũng, Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Yên Dũng cho biết, khi được phân bổ chỉ tiêu, đơn vị chỉ đạo cán bộ LĐTBXH các xã, thị trấn phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát, lập danh sách lao động chưa có việc làm, phổ biến để người có nguyện vọng đăng ký. Đặc biệt, lựa chọn những ngành nghề phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cũng có thể là những nghề mà LĐNT vốn đã quen thuộc nhưng lâu nay vẫn sản xuất theo tập quán cũ, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật để việc đào tạo nghề thực sự phát huy hiệu quả.
Tăng cường liên kết với doanh nghiệp
Dù mang lại những kết quả tích cực song công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Lao động ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh sống phân tán, làm các công việc không ổn định. Những trường hợp này nếu học nghề ngắn hạn thì sau khi học xong cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhưng nếu học nghề trong thời gian dài thì họ không theo được vì vẫn muốn đi làm để có thu nhập tạm thời. Khi đó rất dễ dẫn tới tình trạng học viên đăng ký cho có để hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, do hạn hẹp về kinh phí đầu tư nên hầu hết cơ sở vật chất, trang, thiết bị thực hành ở các cơ sở đào tạo đều đã lạc hậu, thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN) và chương trình giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, hiện nay ngành và các địa phương quan tâm triển khai nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với DN để tăng cơ hội việc làm cho học viên sau tốt nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Có nhiều mô hình liên kết đào tạo nghề cho LĐNT với DN đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho học viên. Điển hình như Trung tâm Dạy nghề 2-9, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) liên kết với Công ty TNHH Loan Hương (cùng đứng chân trên địa bàn) tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động trong xã. Ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Trung tâm cho biết, mô hình này được duy trì từ năm 2017 đến nay. Công ty TNHH Loan Hương nhận được đơn hàng may túi xách sử dụng trong siêu thị để xuất khẩu nên cần nhiều lao động gia công tại nhà. Vì vậy, với hình thức liên kết này, trung tâm cung ứng đủ số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực cho DN, người lao động yên tâm vì chắc chắn có việc làm sau tốt nghiệp.
Tại huyện Việt Yên, do đất nông nghiệp đã được thu hồi nhiều phục vụ phát triển công nghiệp nên nhu cầu tìm việc của LĐNT rất lớn. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, Phòng LĐTBXH huyện chủ động đề xuất, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với Công ty may Hồng Liên, Hợp tác xã may công nghiệp Mai Đức, Công ty TNHH may Phương Linh... mở các lớp đào tạo nghề may ngắn hạn, tạo việc làm ổn định cho người dân sau khi kết thúc khóa học.
Theo dự báo, trung bình mỗi năm, các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30 nghìn lao động qua đào tạo vào làm việc (trình độ đại học, trên đại học chiếm 4,9%; cao đẳng chiếm 49,6%; trung cấp chiếm 12,6%; sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 32,9%). Để cung ứng nguồn nhân lực phù hợp cho DN, công tác đào tạo nghề, trong đó có LĐNT cần tiếp tục được quan tâm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đổi mới giáo trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt là tăng cường kết nối thông tin giữa người học với DN để có định hướng phù hợp, bảo đảm hiệu quả bền vững.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)