Bắc Giang: Siết chặt quản lý cư trú để phòng, chống dịch Covid-19
Tăng cường rà soát, nắm nhân khẩu tạm trú
Thời gian qua, một số công dân từ những địa phương khác về, đến địa bàn Bắc Giang nhưng không khai báo cư trú, lực lượng chức năng ở cơ sở không nắm được. Chỉ đến khi có những ca bệnh Covid-19 được ghi nhận, tiến hành, điều tra, truy vết thì mới phát hiện ra. Ổ dịch xuất hiện từ đầu tháng 11 ở một số xã của huyện Lạng Giang liên quan đến nhân viên quán hát có nguyên nhân từ việc quản lý cư trú lỏng lẻo.
Những nhà trọ tại thị trấn Nếnh (Việt Yên) có đông công nhân cư trú. Ảnh: Khôi Nguyên |
Trước thực tế này, những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, công an các xã, thị trấn trực 100% quân số, bám sát từng địa bàn, phối hợp với các thôn, tổ dân phố rà soát nhân khẩu từng nhà, cơ sở lưu trú; tăng cường quản lý tổ dân cư, lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19. Từ kết quả đó, các cán bộ, chiến sĩ tiến hành phân loại, sàng lọc, báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở địa phương để quyết định áp dụng biện pháp cách ly phù hợp.
Xã Quang Châu (Việt Yên) tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, có nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua. Tại đây tập trung rất đông công nhân các tỉnh khác đến thuê trọ. Trung tá Chu Bá Thuận, Trưởng Công an xã cho biết: "Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của xã, Công an xã đã phối hợp với các lực lượng liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Ngoài nắm bắt đầy đủ 11.800 nhân khẩu ở 8 thôn, chúng tôi còn quản lý cư trú hơn 12.000 công nhân thuê tại 608 nhà trọ trên địa bàn song hằng ngày đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang và cả Bắc Ninh".
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, Công an xã Quang Châu đã tham mưu với chính quyền thành lập các tổ liên gia nhà trọ, tổ an ninh tự quản (mỗi tổ quản lý từ 10-15 hộ) có hồ sơ đăng ký với Công an huyện. Các tổ nắm chắc những trường hợp về, đến địa bàn, có người thân hoặc bản thân đã tiếp xúc với các F0, F1, F2; theo dõi sức khỏe người cách ly y tế tại nhà, người hết hạn cách ly.
Công an tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, TP hướng dẫn công an cơ sở thực hiện công tác đăng ký và quản lý cư trú theo Luật Cư trú. Trong đó chú ý nắm thông tin từng hộ và những trường hợp về, đến địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở lưu trú chấp hành nghiêm quy định về hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. |
Theo Thượng tá Hoàng Văn Liên, Trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh thường xuyên có khoảng 7.000 người nước ngoài cư trú, chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp thuộc huyện Việt Yên và TP Bắc Giang.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh đối ngoại thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm soát công tác phòng dịch đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài.
Ngay sau khi họ nhập cảnh là đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh thực hiện cách ly theo quy định. Phòng phối hợp với công an các huyện, TP rà soát, nắm tình hình, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa vi phạm trong hoạt động xuất, nhập cảnh.
Trong năm 2021 đã phát hiện kịp thời 30 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa phương; xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức, 2 cá nhân không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định, 11 người nước ngoài sử dụng chứng nhận tạm trú quá thời hạn và một người cư trú mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Nâng cao trách nhiệm của các chủ nhà trọ
Số lượng công dân tạm trú trên địa bàn tỉnh hơn 68.000 người, đến từ hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước. Bắc Giang có hơn 5.000 nhà trọ với hàng trăm nghìn phòng. Người lao động ngoại tỉnh đến làm việc giúp cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có đủ công nhân để duy trì hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh.
Cán bộ Công an xã Nội Hoàng (Yên Dũng) kiểm tra công tác đăng ký tạm trú của công nhân trọ tại địa phương. |
Thế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn từ những lao động này, đặc biệt là những lao động thời vụ. Chính vì vậy, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình công nhân ở các nhà trọ để siết chặt quản lý cư trú, bảo đảm an toàn phòng dịch.
Sau đợt dịch thứ tư xảy ra ở một số khu công nghiệp, hầu hết các chủ nhà trọ, cơ sở lưu trú đều thấm thía, hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch Covid-19 nên chấp hành nghiêm các quy định của địa phương. Bà Vũ Thị Hồng Mây, chủ 25 phòng trọ tại thôn Đạo Ngạn 1, xã Quang Châu chia sẻ: Công an xã thường xuyên nhắc nhở gia đình tuân thủ các quy định của pháp luật về cư trú. Là chủ nhà trọ, bà luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là.
Lực lượng chức năng xã Tăng Tiến (Việt Yên) kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch tại nhà trọ trên địa bàn. Ảnh: Hoài Thu |
Trung bình gia đình bà có 50 công nhân ở nhiều tỉnh thuê. Khi có ai đến thuê, bà đều yêu cầu nộp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sau đó bà tự ra xã khai báo tạm trú. “Mỗi trường hợp chỉ phải nộp 30.000 đồng. Tôi thấy việc khai báo là vô cùng cần thiết, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường như thế này, chỉ mất chút thời gian thôi, chứ có gì khó khăn đâu. Bên cạnh đó, việc khai báo còn là để bảo vệ tài sản, giữ an ninh trật tự cho gia đình mình và khu dân cư” - Bà Mây nói.
Thế nhưng không phải ai cũng có ý thức trách nhiệm như bà Mây. Qua kiểm tra, Công an xã Quang Châu phát hiện, xử lý một số chủ nhà trọ vi phạm quy định về đăng ký cư trú. Như gia đình ông Hoàng Công H và ông Hoàng Công V ở thôn Núi Hiểu có tổng số gần 90 công nhân thuê trọ nhưng không khai báo với chính quyền, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch.
Được biết, các chủ nhà trọ đến khai báo cư trú là cơ sở để Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cấp xã thực hiện các thủ tục để công dân khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19, chuyển số liệu sang công an để làm thủ tục tạm trú, tạm vắng phục vụ quản lý nhân khẩu.
Cũng trên cơ sở đó nắm được công nhân đó đã được tiêm vắc-xin hay chưa, tiêm mũi thứ mấy, đến từ tỉnh, thành phố nào, vùng đó có dịch hay không... Những thông tin này tạo thuận lợi cho việc kiểm soát, quản lý, truy vết, phát hiện các yếu tố dịch tễ, chủ động ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập.
Nắm bắt tình hình thực tế tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, công tác quản lý cư trú còn một số hạn chế. Đặc biệt là trong quản lý những trường hợp đến làm việc tại quán karaoke hay công trình xây dựng. Những công nhân thời vụ đến từ nhiều nơi, làm việc tập trung, ăn ở đông đúc trong các lán được dựng tạm bợ. Tuy vậy, các cai thầu, chủ nhóm thợ không tự giác khai báo cư trú với chính quyền địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, siết chặt công tác quản lý cư trú, tạm trú, tập trung quản lý các cơ sở lưu trú, để phát hiện kịp thời các trường hợp người từ vùng dịch về, đến cư trú bất hợp pháp, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)