Bắc Giang quản lý khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất, kinh doanh: Giảm thất thoát tài nguyên, tăng thu ngân sách
Thêm nhiều DN có giấy phép
Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định, bất cứ tổ chức, cá nhân nào khai thác nước mặt để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ với lưu lượng từ 100 m3/ngày, đêm trở lên đều phải xin cấp phép và thực hiện nộp thuế, phí, tiền cấp quyền. Việc cấp giấy phép là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát và thu thuế, phí, đồng thời tránh tình trạng làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc được cấp phép khai thác nước mặt tại công trình cấp nước xã Quang Châu (Việt Yên). |
Quy định là vậy, còn theo Phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT), cách đây khoảng ba năm, qua rà soát kiểm tra toàn tỉnh có 22 công trình do các DN quản lý đang khai thác nước mặt song chỉ có 6 công trình có giấy phép, còn lại là không làm thủ tục này. Những công trình trên đều có công suất khai thác từ 400 m3 đến hơn 20 nghìn m3 nước/ngày, đêm, tập trung tại các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên. Xác định rõ bất cập, Sở TN&MT chỉ đạo Phòng Tài nguyên nước lập danh sách cụ thể từng đơn vị chưa chấp hành để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Nhờ đó, từ năm 2017- 2019, toàn tỉnh có thêm 12 DN khai thác nước mặt được cấp giấy phép, nâng tổng số DN có thủ tục này toàn tỉnh lên 18 trường hợp.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh), việc cấp giấy phép khai thác nước cho DN là cơ sở để cơ quan chức năng thu được các loại thuế, phí, tiền cấp quyền, góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh hằng năm. Chỉ tính năm 2018 và 2019, toàn tỉnh thu hơn 6 tỷ đồng tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước. |
Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc (TP Bắc Giang) là một ví dụ. Sau một thời gian hoạt động chưa có giấy phép, cuối năm ngoái, DN này đã hoàn thiện thủ tục trình Sở cấp hai giấy phép khai thác nước mặt cho công trình tại xã Quang Châu (Việt Yên) và thị trấn Tây Yên Tử -Sơn Động (thị trấn Thanh Sơn cũ) trong 5 năm. Theo đó, công trình tại xã Quang Châu có công suất khai thác 3 nghìn m3 nước/ngày, đêm; ở thị trấn Tây Yên Tử là 400 m3 nước/ngày, đêm. Tương tự, cũng trong năm ngoái, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn, trụ sở ở tỉnh Hải Dương được Sở TN&MT cấp hai giấy phép khai thác nước mặt trên sông Cầu với lượng nước tối đa 12 nghìn m3/ngày, đêm tại thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và 20 nghìn m3/ngày, đêm tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa). Hay như trước đó, Sở cấp giấy phép khai thác nước cho Công ty cổ phần TID (Hà Nội) tại xã Đồng Phúc (Yên Dũng); Công ty cổ phần Xây dựng và Công nghệ môi trường Việt Nam (Hà Nội) khai thác tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa)...
Tạo thuận lợi về thủ tục
Theo đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh), việc cấp giấy phép khai thác nước cho DN là cơ sở để cơ quan chức năng thu được các loại thuế, phí, tiền cấp quyền, góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh hằng năm. Được biết, năm 2018 và 2019, toàn tỉnh thu hơn 6 tỷ đồng tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước.
Có được kết quả trên trước hết là do Sở TN&MT làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Tài nguyên nước tới các DN, nhất là đơn vị khai thác nước mặt. Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hằng năm Sở đều tổ chức 10-20 lớp tập huấn về nội dung này, qua đó phổ biến rõ công suất khai thác nước cần phải xin cấp phép để các đơn vị nắm được; chỉ đạo Phòng Tài nguyên nước tăng cường kiểm tra, rà soát và làm việc trực tiếp với các DN chưa có giấy phép để thường xuyên hướng dẫn thủ tục, các quy định về xin cấp phép kết hợp đôn đốc DN thực hiện.
Cán bộ của Sở phối hợp với các DN hỗ trợ các khâu khó trong lập hồ sơ như: Xác định tọa độ các điểm khai thác, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước tới nguồn nước, môi trường... Sau khi DN gửi hồ sơ, trong vòng 20 ngày, Sở cử cán bộ thẩm định thực tế trên cơ sở đề án của DN phù hợp với quy hoạch thì cấp giấy phép. Cùng đó, được Sở TN&MT tuyên truyền, hướng dẫn; nhiều DN đã thay đổi nhận thức, quan tâm đầu tư kinh phí từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để thuê đơn vị tư vấn khảo sát, thu thập số liệu, đánh giá đặc điểm nguồn nước, xác định phương thức khai thác... để lập đề án trình cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm, Sở TN&MT tiếp tục đôn đốc 4 DN khai thác nước mặt còn lại trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Trường hợp cố tình vi phạm, Sở sẽ xử phạt theo quy định từ 30 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)