Bắc Giang phát triển công nghiệp theo không gian mới
Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã hoàn thành, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ mới dựa trên nguyên tắc phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Hòa Phú (Hiệp Hòa), tháng 2/2021. |
Bắc Giang xác định, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm: Sản xuất cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp dệt, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện, may trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic...
Xây dựng phát triển khu trọng điểm kinh tế thành vùng tập trung công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa của tỉnh, có sức lan tỏa mạnh, thúc đẩy phát triển các vùng khác. Hướng đến mục tiêu đưa Bắc Giang thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đô thị có quy mô vùng, liên kết không gian công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa với các tỉnh, thành phố, khu vực xung quanh và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.
Lần quy hoạch này, không gian phát triển công nghiệp được bố trí hài hòa xung quanh TP Bắc Giang, lấy TP Bắc Giang là trung tâm đô thị chính, là trung tâm hậu cần, dịch vụ để phục vụ cho KCN ở các huyện xung quanh như: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang và Lục Nam.
Cụ thể, các trục phát triển chính của khu trọng điểm kinh tế gồm: Trục thị trấn Vôi - TP Bắc Giang - Việt Yên dọc theo tuyến quốc lộ (QL) 1, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; trục TP Bắc Giang - Bích Động - Thắng theo hành lang đường tỉnh (ĐT) 295B - QL37; trục thị xã Hiệp Hòa - Nham Biền theo hành lang ĐT398 (quy hoạch mới); trục TP Bắc Giang - thị trấn Đồi Ngô theo tuyến hành lang QL31 và ĐT293.
Bố trí ba tuyến thành động lực phát triển KT-XH của tỉnh và liên kết vùng, kết nối đi quốc tế: Trục hành lang động lực giao lưu liên kết phát triển theo QL1, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn (Việt Yên - TP Bắc Giang - Lạng Giang); trục hành lang động lực giao lưu liên kết phát triển theo ĐT398, ĐT296 - ĐT295 - QL37- QL17 - ĐT299 (Hiệp Hòa - Việt Yên - Yên Dũng); tuyến hành lang giao lưu liên kết phát triển theo vành đai V và QL37 - ĐT292 - ĐT294 (Lục Nam - Lạng Giang - Yên Thế - Tân Yên).
Các khu vực bố trí tập trung các khu, cụm công nghiệp (CCN) gồm: Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1, cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398 - ĐT296 - ĐT295 - QL37 - QL17 - ĐT299; khu vực công nghiệp phía Đông theo tuyến hành lang ĐT293- QL37, đường vành đai V.
Đến năm 2030, quy hoạch 29 KCN với diện tích khoảng 7.000 ha (trong đó có 12 KCN - đô thị - dịch vụ); quy hoạch 63 CCN với diện tích khoảng 3.006 ha. Các khu vực bố trí phát triển công nghiệp tập trung bảo đảm đáp ứng được các yếu tố, điều kiện về kết nối giao thông thuận lợi, đầy đủ các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, bố trí các dịch vụ phục vụ người lao động…; đồng thời bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả về đất đai; các KCN được quy hoạch gắn với quy hoạch phát triển khu đô thị - dịch vụ.
Quy hoạch các khu, CCN là tiền đề để thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, Bắc Giang chủ trương thu hút các nhà đầu tư lớn, có tầm cỡ trên thế giới, tạo mọi điều kiện cho “đại bàng” đến “làm tổ”. Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tại địa phương cùng phát triển.
Quan điểm trong thu hút đầu tư của tỉnh là “2 ít, 3 cao”, có nghĩa là sử dụng ít đất và ít nhân lực; công nghệ cao, suất đầu tư cao và đóng góp ngân sách cao. Phát triển công nghiệp hài hòa, lấy công nghiệp làm động lực để phát triển nhanh nền kinh tế, lấy nông nghiệp làm “giá đỡ” cho nền kinh tế và lấy dịch vụ để tạo giá trị gia tăng cao.
Một góc Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên). |
Không gian phát triển mới công nghiệp của tỉnh Bắc Giang lần này sẽ tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp và đô thị, lấy công nghiệp, dịch vụ là động lực cho phát triển đô thị; lấy đô thị là trung tâm hậu cần để phát triển công nghiệp, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước, sớm đưa Bắc Giang trở thành một điểm sáng mới về phát triển công nghiệp trong khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)