Bắc Giang: Lấy ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
Đồng chí Trần Văn Tuấn chủ trì hội nghị. |
Cùng dự có các ĐBQH tỉnh Bắc Giang khóa XV: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ, một số sở, ban, ngành, địa phương.
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 57 điều bao gồm những quy định chung; hoạt động phòng thủ dân sự; chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự; điều khoản thi hành.
Đại biểu Bộ CHQS tỉnh góp ý kiến vào dự thảo luật. |
Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, quy định nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước về phòng thủ dân sự.
Tại hội nghị, các ý kiến đều nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự. Trong đó nhiều ý kiến xuất phát từ thực tiễn nêu ra nhiều tình huống cần bổ sung cụ thể, rõ ràng hơn, tập trung vào các nội dung như: Tại khoản 1, điều 36, đề nghị bổ sung thêm các lực lượng như dự bị động viên; công an xã chuyên trách, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, bảo vệ dân phố khi xảy ra sự cố, thảm họa, thiên tai...
Tại khoản 4, điều 2, xác định đối tượng dễ bị tổn thương có cả người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn là không hợp lý, cần bỏ nội dung này nhằm tránh phân biệt dân tộc.
Tại khoản 3, điều 21 về bồi thường vật tư, phương tiện huy động bị hư hỏng, các ý kiến nêu vấn đề có những vật tư sau khi sử dụng không bị hư hỏng nhưng hết giá trị sử dụng thì cần quy đổi bằng tiền theo giá trị hiện tại để bồi thường.
Dự thảo Luật chưa có quy định đối với các cơ quan quốc tế, người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam khi xảy ra sự cố, thiên tai, thảm hoạ, chiến tranh.
Đại biểu huyện Lục Nam tham gia góp ý dự thảo luật. |
Điều 9 nên đưa thêm 1 điều khoản về trách nhiệm của các cấp, ngành, người đứng đầu khi để xảy ra các vấn đề, sự cố liên quan đến phòng thủ dân sự. Điều 44 bổ sung Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp cho Chính phủ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến phòng thủ dân sự.
Tại điều 41, có 2 phương án về Quỹ phòng thủ dân sự, nhiều ý kiến đồng tình lựa chọn phương án 2 “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật…”. Qua đó tránh sự chống chéo với các quỹ hiện đang thu của nhân dân. Điểm d, khoản 2, điều 53 bổ sung thêm nội dung về sự phối hợp của các địa phương liền kề khi xảy ra các tình huống, sự cố; bổ sung quy định cụ thể chế độ, thành phần cho Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự từ cấp quốc gia, bộ, ngành cho đến địa phương.
Cần làm rõ khái niệm “xung đột” và “chiến tranh”, hiện mới chỉ đề cập đến chiến tranh. Đối với khái niệm phòng thủ, cần bổ sung cụ thể phòng thủ từ sớm, từ xa, từ "ngoài lãnh thổ" khi có nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Các ý kiến đồng quan điểm về chất lượng dự thảo Luật chưa cao, nhiều câu từ chưa chính xác, cần chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ cho phù hợp…
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuấn ghi nhận các góp ý của đại biểu, đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu, thể hiện trách nhiệm để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu, nghiên cứu, tổng hợp để thông tin sớm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, kịp thời chỉnh sửa bổ sung vào Luật, bảo đảm hoàn chỉnh trước khi ban hành.
Tin, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)