Bắc Giang đầu tư hạ tầng giao thông: Tăng kết nối, mở rộng không gian phát triển
BẮC GIANG - Nhiều người đặt chân đến Bắc Giang hôm nay đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ, đặc biệt là về hạ tầng giao thông. Những tuyến đường rộng mở, những cây cầu kiên cố vươn xa giúp Bắc Giang kết nối vùng, thúc đẩy giao thương và tạo không gian, động lực phát triển mới.
Nhịp cầu gắn kết đôi bờ
Cầu Hà Bắc II được phía tỉnh Bắc Giang thi công hoàn thiện từ lâu song mới đây tuyến đường thuộc tỉnh Bắc Ninh nối với cầu mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là một trong những công trình quan trọng kết nối thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) với huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Cầu có chiều dài 500 m, bề rộng 16 m; đường phía Bắc Giang kết nối với cầu dài hơn 1,5 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 358 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh. Cầu kiên vững nối đôi bờ sông Cầu đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu của người dân.
![]() |
Cầu Hà Bắc II nối tỉnh Bắc Giang- Bắc Ninh vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. |
Việc hoàn thành tuyến giao thông này không chỉ giúp người dân hai tỉnh đi lại dễ dàng hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Anh Ngô Văn Bốn, thôn Phù Tài, xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên làm dịch vụ cung ứng hàng hóa, vận chuyển chia sẻ, trước đây, muốn qua sông đều phải ngồi đò. Nhiều hôm mưa bão, nước sông dâng cao, chảy xiết, anh phải ngừng việc. Nhờ có cầu, đường mới, việc đi lại và giao thương của người dân thuận lợi hơn. Anh có thể cung cấp dịch vụ mọi lúc khách cần, bảo đảm sự chủ động và phục vụ tận tình.
Cũng như anh Bốn, ở chiều ngược lại, những người dân ở tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ cần vài phút qua cầu đã đặt chân sang tỉnh Bắc Giang. Như vậy, đến nay, đã có 5 cây cầu kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Những cây cầu này góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, thắt chặt hơn nữa dòng chảy kinh tế, gắn kết những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Được biết, dự án cầu Hà Bắc I nối sang tỉnh Bắc Ninh cũng đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Cây cầu này sẽ kết nối tuyến đường tỉnh 298B tỉnh Bắc Giang với đường tỉnh 295C tỉnh Bắc Ninh, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2027. Ngoài ra, cầu Vân Hà, kết nối xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) với phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) cũng đang được tập trung thực hiện. Dự kiến cầu có chiều dài khoảng 360 m; đường dẫn hai bên đầu cầu đầu tư với quy mô theo quy hoạch được duyệt, phù hợp với quy mô cầu và bảo đảm kết nối với hệ thống giao thông khu vực. Tổng mức đầu tư khoảng 240 tỷ đồng.
Ưu tiên nguồn lực
Bắc Giang xác định rõ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, những năm qua, Bắc Giang đầu tư nguồn lực cho hàng loạt công trình giao thông, tạo sự phát triển đột phá với nhiều trục đường quan trọng, chiến lược, tạo không gian phát triển, diện mạo mới cho các địa phương, góp phần tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng. Bằng sự quyết tâm của tỉnh và sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), “nút thắt” trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang đã được giải quyết. Việc nâng cấp cây cầu duy nhất đi chung với đường bộ - đường sắt khu vực Cẩm Lý (huyện Lục Nam) cũng được triển khai đầu tư.
![]() |
Đường nối quốc lộ 37 - quốc lộ 17 nối huyện Yên Thế với huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). |
Đặc biệt, phát triển giao thông đối ngoại có bước đột phá nhờ tỉnh Bắc Giang tích cực, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh đồng loạt triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông kết nối liên tỉnh quan trọng. Ngoài với tỉnh Bắc Ninh, các dự án khác như: Xây dựng cầu Hòa Sơn và đường dẫn; dự án đường nối quốc lộ 37 - quốc lộ 17 Võ Nhai, kết nối Bắc Giang với Thái Nguyên; dự án cầu Đồng Việt, kết nối Bắc Giang với Hải Dương; đường nối cảng Mỹ An - quốc lộ 31, tăng cường kết nối Bắc Giang với Lạng Sơn; phối hợp với thành phố Hà Nội hoàn thành đầu tư tuyến đường kết nối cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Bắc Giang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu đầu tư tuyến đường kết nối huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang với thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Giang tiến gần tới biển.
Riêng giai đoạn 2021-2025, Bắc Giang phân bổ hơn 9,7 nghìn tỷ đồng từ vốn đầu tư công cho hạ tầng giao thông. Qua đó, Bắc Giang đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. |
Mạng lưới đường tỉnh phát triển thông qua việc mở mới, nâng cấp được 336 km (ước tính đến hết năm 2025), vượt gần 100 km so với mục tiêu đề ra. Số lượng tuyến đường tỉnh tăng từ 18 tuyến lên 37 tuyến trên tổng số 40 tuyến đường tỉnh quy hoạch; chiều dài tăng từ 404,99 km lên 893,17 km.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách vùng miền và thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhân dân trên địa bàn đã chia sẻ trách nhiệm đối với Nhà nước trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng và tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông... Riêng giai đoạn 2021-2025, Bắc Giang phân bổ hơn 9,7 nghìn tỷ đồng từ vốn đầu tư công cho hạ tầng giao thông. Qua đó, Bắc Giang đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Trần Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tới đây hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất. Trên cơ sở địa giới hành chính mới, giai đoạn 2026-2030, cơ quan chức năng sẽ rà soát, nghiên cứu các quan điểm, mục tiêu và nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh, bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, khai thác hiệu quả, nâng cao tính kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp, đô thị trong tỉnh và khu vực; bổ sung tuyến đường kết nối đối ngoại theo Biên bản ghi nhớ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh giáp ranh.
Ý kiến bạn đọc (0)