Bắc Giang: Công bố, triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm. |
Dự tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động KT-XH đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia; đồng thời bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Đồng chí Dương Ngọc Chiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội nghị. |
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Theo đó, đến năm 2030 Bắc Giang đặt ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng có bước đột phá. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Một nội dung được đông đảo người dân quan tâm là Bắc Giang quy hoạch 10 nghìn ha đất cho phát triển công nghiệp. Đến năm 2030, quy hoạch 29 khu công nghiệp (KCN).
Các khu vực bố trí tập trung các khu, cụm công nghiệp như: Theo trục hành lang quốc lộ (QL) 1, cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn; KCN theo trục hành lang ĐT 398, ĐT296- ĐT295- QL37- QL17- ĐT 299; KCN phía Đông theo hướng hành lang ĐT 293- QL37, vành đai V.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại hội nghị. |
Để thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trên quan điểm các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các nội dung trong quy hoạch chủ động tham mưu triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Xác định bước đi, lộ trình cụ thể hóa phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực để đạt mục tiêu của quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể các phương án quy hoạch gồm đầu tư công và các dự án ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn. Xác định rõ nguồn lực và giải pháp để thực hiện theo quy hoạch. Trong tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, địa phương.
Cụ thể, trước 31/3/2022 xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động và các văn bản cụ thể triển khai kế hoạch, trong đó xác định rõ đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/10 hằng năm.
Tại hội nghị, một số đại biểu tham luận về một số giải pháp thực hiện quy hoạch như: Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ; rà soát quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ rừng, môi trường; phát triển khu đô thị hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch.
Đồng chí Lê Ánh Dương chỉ đạo một số nhiệm vụ cần làm ngay về thực hiện quy hoạch tỉnh. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, việc là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh là vinh dự của Bắc Giang, là kết quả nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí biểu dương cán bộ, viên chức, người lao động Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc tận tụy, tích cực, không quản khó khăn trong xây dựng quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên đây chỉ là bước khởi đầu, do vậy ngay khi được phê duyệt cần triển khai ngay kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Đồng chí nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò quan trọng, dẫn dắt chúng ta phát triển trong tương lai. Để thực hiện hiệu quả, trước hết cần thống nhất nhận thức về vai trò của quy hoạch. Trên cơ sở đó nhìn rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đầu tư, phát triển.
Việc thực hiện quy hoạch tỉnh đã giúp chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, đó là Bắc Giang có quyết tâm chính trị cao trong triển khai lập quy hoạch; Bắc Giang có cách làm sáng tạo, tự lực theo phương châm ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên, bám sát thực tiễn, các tư tưởng, quan điểm lớn của T.Ư.
Quá trình làm quy hoạch đã luôn kiên trì, đeo bám, không nản lòng. Khi đã có quy hoạch, Bắc Giang cần quyết tâm đi đầu, là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công quy hoạch, hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng vươn lên của tỉnh.
Do đó, đồng chí yêu cầu cần làm ngay một số nhiệm vụ, như: Công khai rộng rãi quy hoạch để toàn Đảng, toàn dân thấy được khát vọng của tỉnh; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, huyện, vùng huyện để bảo đảm thống nhất theo quy hoạch chung; huy động, giải phóng nguồn lực, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng thu hút dự án lớn đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số.
MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được và đồng lòng thực hiện tốt quy hoạch.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Công Hùng: Tập trung 5 giải pháp phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát là “Phát triển đô thị xanh, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững...”. Để có được đô thị đồng bộ, hiện đại cần triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để đưa vào áp dụng các mô hình “đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh” phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Thứ hai, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, quan tâm lập chương trình phát triển đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị làm cơ sở để thu hút đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị, phấn đấu đến năm 2030, các đô thị đều có quy hoạch chung được duyệt. Thứ ba, áp dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị; xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch xây dựng, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản; công nghệ số để quản lý quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Thứ tư, tiến hành đầu tư xây dựng, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng khung đáp ứng được các tiện ích để kết nối đồng bộ giữa (đô thị - công nghiệp và dịch vụ). Các huyện, TP cần tập trung cao cho công tác đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, từng bước hoàn thành mục tiêu đô thị đồng bộ, hiện đại. Tăng cường thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý đô thị theo hướng dẫn của T.Ư và thực tế địa phương. Tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp của chính quyền đô thị các cấp. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị bền vững. Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan: Hoàn thiện các tiêu chí đưa TP Bắc Giang trở thành đô thị loại I
Quy hoạch tỉnh đã xác định TP Bắc Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Giang; là “cửa ngõ kép hiện đại” của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội mở rộng; có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh. Phấn đấu trước năm 2030, TP Bắc Giang được công nhận là đô thị loại I. Để đạt mục tiêu này, TP xác định các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, trước tiên rà soát, đánh giá lại hệ thống quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết đô thị; tổ chức không gian đô thị thông minh và hiệu quả, sử dụng đất tiết kiệm theo hướng phát triển đô thị nén, dành nhiều quỹ đất cho không gian xanh, sinh thái. Về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, TP Bắc Giang tiếp tục thu hút nhà đầu tư để xây dựng tuyến phố, khu trung tâm thương mại kết hợp nhà ở. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm logistics TP Bắc Giang. Thu hút đầu tư xây dựng khu kinh tế đêm về ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí và trình diễn nghệ thuật. Về phát triển hạ tầng đô thị: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng khung đô thị. Tiếp tục nâng cấp một số tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ, đường gom cao tốc, mở mới các tuyến đường trục chính, đường vành đai đô thị theo quy hoạch như: Xây mới đơn nguyên cầu Xương Giang trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; mở rộng hệ thống đường gom, cầu vượt đường cao tốc. Cải tạo QL31 và mở rộng một số đường tỉnh (ĐT) qua địa bàn như: ĐT 295B, ĐT 299, ĐT 293; đồng thời mở mới các tuyến kết nối TP đến trung tâm các huyện. Hoàn thành xây dựng 2 tuyến vành đai khép kín và trục chính trong TP; quy hoạch và xây dựng mới các cầu vượt sông Thương, hệ thống bến xe khách, cảng thủy nội địa. Về hạ tầng thông tin, đáp ứng yêu cầu xây dựng TP thông minh, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, bảo đảm hạ tầng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp số. Triển khai xây dựng hạ tầng lõi của đô thị thông minh và phát triển Chính quyền điện tử. Đến năm 2030, hơn 90% hồ sơ công việc tại cấp TP và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. |
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)