Bắc Giang: Cổ kính lăng Sợi Chỉ
Theo tư liệu ghi chép của dòng họ Nguyễn ở làng Vân Cẩm và nội dung bia đá niên hiệu Bảo Thái nguyên niên (1720) dựng ở lăng Sợi Chỉ cho biết: Nguyễn Hữu Liêu người làng Vân Cẩm, xã Vân Cẩm, tổng Đông Lỗ (Hiệp Hòa). Ông sinh vào khoảng cuối thế kỷ XVII, vợ cả là Nguyễn Thị Năm. Sinh ra ở vùng quê có truyền thống hiếu học khoa bảng, Nguyễn Hữu Liêu sớm theo nghiệp đèn sách. Được ăn học thành tài, ông bước vào chốn quan trường, đem tài trí của mình giúp sức cho vương triều Lê - Trịnh (khoảng giai đoạn 1700 đến 1720). Khi ông mất được mai táng tại lăng Sợi Chỉ.
Cặp ngựa đá trong lăng được tạo dáng rất đẹp theo phong cách tả thực của đời Lê Dụ Tông thứ nhất- 1720. |
Theo nội dung bia đá “Báo ân ký” ghi việc báo ơn, dựng tại chùa Vân Cẩm, tạo dựng năm Bính Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) chép: Khi làm quan trong phủ chúa, Nguyễn Hữu Liêu từng giữ chức Tri thị nội thư, Tả hộ phiên, Phụng quản thị hầu, Ưu hậu thuyền, Ti lễ giám, Tả đề điểm Nho tường hầu. Ông chuyên trông nom sổ sách, hộ bạ, quản việc xuất nhập rất chu tất. Nguyễn Hữu Liêu còn là người ôn hoà nho nhã, làm bầy tôi tai mắt trong phủ chúa lại có nhân cách sáng như ngọc, công danh vinh hiển, để nhiều tiếng thơm. Là người có tâm bồ đề, lòng quân tử, tài đức sánh bậc công hầu, luôn làm điều nhân, việc thiện, đem tiền của, ruộng vườn ban cho dân lành, lại giúp dân làm ấp, sửa chùa…. Khi về hưu trí tại quê nhà, ông còn dốc lòng tâm đức ra cung tiến tiền của cho dân làng tu dựng đình, chùa, mặt khác để bà con trong gia tộc xây cất phần lăng mộ của chính mình. Do có nhiều công lao, toàn dân trong xã đã nhất nhất thuận tình bầu ông và vợ Nguyễn Thị Năm làm hậu Phật.
Lăng Sợi Chỉ được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII ở thôn Vân Cẩm. Ông Nguyễn Đắc Xuân (84 tuổi), trưởng dòng họ Nguyễn cho biết: Xưa lăng Sợi Chỉ có quy mô kiến trúc đồ sộ, tường vây đá ong xung quanh, trong lăng bài trí tượng linh thú theo từng cặp một ngồi chầu vào nhau, tư thế trang nghiêm.
Hai bên sườn Đông Tây bài trí bia đá, phía sau cùng là ba gian nhà mồ xây chất liệu đá ong, bên trong có mộ hợp chất nơi an nghỉ của ông Nguyễn Hữu Liêu. Trải qua thời gian, lăng Sợi Chỉ đến nay không còn được nguyên vẹn như xưa.
Những năm gần đây, dòng họ Nguyễn ở Vân Cẩm đã cho tôn tạo lại lăng như xây tường bao, xây mộ. Tổng thể lăng đá gồm các hạng mục công trình được bố trí theo hình chữ nhật chạy dọc gồm hai phần: Khu thờ tự và phần mộ. Khu thờ tự gồm cổng lăng, đường Thần đạo, tượng linh vật chó đá, ngựa đá, bia đá. Theo đường Thần đạo đầu tiên là tượng chó đá ngồi chầu ra ngoài. Tiếp đến bên sườn Đông là tấm bia đá tứ diện, một mặt khắc chữ Hán, dựng năm 1720. Đối diện sườn Tây là hai bia đá hình dẹt ghi về việc phụng sự hậu Thần. Phía sau là đôi ngựa đá xanh đứng chầu đăng đối hai bên. Cặp ngựa đá được tạo dáng rất đẹp theo phong cách tả thực của đời Lê Dụ Tông thứ nhất- 1720.
Những hiện vật ở lăng đá tuy không nhiều nhưng đều có giá trị lịch sử và nghệ thuật.
Lăng Sợi Chỉ là nơi an nghỉ và thờ phụng ông Nguyễn Hữu Liêu, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của dòng họ và nhân dân trong vùng. Việc sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến tục thờ Nguyễn Hữu Liêu không chỉ diễn ra trong phạm vi dòng họ mà còn diễn ra ở chốn đình chung của làng Vân Cẩm, đó là tục cúng hậu Thần và hậu Phật. Tại gia tộc, từ đường xưa và nay vẫn cúng giỗ ông vào ngày 12 tháng Giêng và bà Nguyễn Thị Năm vào ngày 17/3 (âm lịch).
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)