Bắc Giang: Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng Tết
Tập trung cho hàng Việt
Khác với những năm trước, năm nay kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm, Tết Nguyên đán được các cơ quan chức năng, DN tích cực thực hiện gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đây góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế cho DN trong nước sau đại dịch Covid-19.
Siêu thị Coopmart Bắc Giang chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. |
Bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc GO Bắc Giang thông tin, nhằm góp phần giúp DN trong nước khôi phục sản xuất sau đại dịch nên hơn 90% sản phẩm đợt này đơn vị nhập về là hàng nội địa. Siêu thị đã niêm yết công khai giá đối với từng loại sản phẩm; cam kết không tăng giá bán đột biến. Hầu hết các sản phẩm nội địa tại GO đang áp dụng các chương trình khuyến mại như: Giảm giá, tặng quà kèm theo, mua 2 tặng 1, tích điểm khuyến mại mua hàng, miễn phí cước vận chuyển…
“Chúng tôi xác định, dịch Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào nên siêu thị lập sẵn phương án kinh doanh. Cụ thể là tăng cường nhân viên quảng cáo và khuyến khích người dân mua sắm bằng hình thức trực tuyến thông qua Facebook, Zalo, app điện tử, gọi điện thoại trực tiếp. Hằng ngày, nhân viên bảo vệ nhắc nhở khách hàng thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch”, bà Nga cho biết thêm.
Công ty TNHH Chiến Nga (TP Bắc Giang) cũng vừa chuẩn bị hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 72 tỷ đồng phục vụ Tết. Là DN đầu mối, chuyên cung cấp hàng hóa cho hàng trăm đơn vị cấp 1 nên Công ty có kế hoạch nhập hàng về từ đầu tháng 11. Sản phẩm phục vụ Tết tập trung vào hàng hóa thiết yếu nội địa.
DN chủ động kết nối đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các khu, cụm công nghiệp; cam kết phân phối hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả bình ổn; đồng thời áp dụng chính sách khuyến mại cho tất cả đại lý.
Ở các siêu thị bán lẻ, cửa hàng tạp hóa tự chọn, đơn vị kinh doanh xăng dầu, các chợ… trên địa bàn tỉnh cũng chủ động dự trữ hàng hóa; tập trung bày bán hàng Việt và những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Người dân không phải dự trữ hàng
Thông tin từ Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 16 DN phân phối, hợp tác xã, chợ đầu mối, siêu thị đăng ký dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Tổng trị giá hàng hoá gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 1.872 tấn gạo, đỗ các loại; 2.497 tấn bánh kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; 2.177 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 10.931 tấn thịt, rau, củ quả; 87 nghìn m³ xăng dầu và các hàng hóa khác. Đơn vị tham gia đều ký cam kết hàng hóa dự trữ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, niêm yết giá bán đúng quy định.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, kinh nghiệm trong các đợt dịch vừa qua cho thấy, tại thời gian cao điểm, kể cả trong giai đoạn giãn cách, cách ly xã hội ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm. Kết quả này có được là do sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự chuẩn bị chi tiết các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu từ cơ quan chức năng, huyện, TP. Đến thời điểm này, cơ bản nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ vẫn theo kịch bản đã được chuẩn bị trong thời điểm dịch.
Hiện toàn tỉnh có 16 DN phân phối, hợp tác xã, chợ đầu mối, siêu thị đăng ký dự trữ hàng hóa thiết yếu. Tổng trị giá gần 4 nghìn tỷ đồng , tăng gần 1 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái". Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương |
Do đó, Sở khuyến cáo người dân yên tâm, không mua tích trữ nhiều hàng hóa; chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, điểm mới năm nay là tháng khuyến mại tập trung quốc gia trùng với dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Vì vậy, người dân sẽ được mua sắm nhiều mặt hàng với mức giá giảm sâu, nhất là hàng hóa thiết yếu.
Thời điểm này, nhu cầu mua sắm của người dân chưa cao, dự kiến sức mua sẽ tăng từ khoảng ngày 12 đến 30 tháng Chạp. Sở Công Thương đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, TP, ban quản lý các chợ, DN, hợp tác xã… phối hợp và thực hiện những giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường.
Bài, ảnh: Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)