Bắc Giang: 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã trang bị cabin điện tử
Học viên Phân hiệu 2 - Trường Cao đẳng Phòng không không quân (Hiệp Hòa) học lái xe ô tô trên cabin điện tử. |
Năng lực đào tạo lái xe ô tô của các đơn vị này dao động từ 10-18 nghìn học viên/năm. Theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô vào chương trình đào tạo.
Mỗi học viên được thực hành 3 giờ trên cabin tập lái ô tô để có kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện cụ thể về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau.
Thực hiện quy định trên, đến thời điểm này, 3 cơ sở đã hoàn thiện lắp đặt, mỗi trường 1 cabin điện tử, trị giá khoảng 500 triệu đồng/cabin. Đó là Trường Trung cấp Nghề số 1 (TP Bắc Giang); Trường Trung cấp nghề Xương Giang (Lục Nam); Phân hiệu 2 - Trường Cao đẳng Phòng không, không quân (Hiệp Hòa).
Hai đơn vị còn lại là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh (Lạng Giang) và Trường Trung cấp nghề GTVT Bắc Giang (Sở GTVT tỉnh) dự kiến trong tháng 2/2023 sẽ lắp đặt xong 4 cabin điện tử/trường, trị giá 500 triệu đồng/cabin.
Được biết, theo Thông tư số 04, việc thực hành trên cabin điện tử học lái ô tô là quy định bắt buộc đối với học viên khi tham gia học lái xe từ năm 2023. Sau khi học viên hoàn thành thời gian học lái xe ô tô trên cabin điện tử sẽ được in giấy xác nhận đủ điều kiện tham dự kỳ sát hạch. Các trường chưa trang bị cabin điện tử tuy không phải dừng việc đào tạo nhưng học viên sẽ không được thi sát hạch vì chưa học đủ các môn theo quy định.
Tin, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)