Bà Đoàn Thị Cầu: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nấm
Bà Đoàn Thị Cầu kiểm tra khu trồng nấm sò. Ảnh: Mạc Yến. |
Bà Cầu biết đến nghề trồng nấm vào năm 2008 khi được tham dự lớp tập huấn do tổ chức PLAN thực hiện tại thôn. Nghe cán bộ giảng giải về nghề mới, bà rất say mê. Kết thúc lớp học, bà mạnh dạn đăng ký, xây dựng 700 m2 nhà lán và trồng hơn một vạn bịch. Ban đầu bà thất bại do chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ xử lý nguyên liệu, đóng bịch, chăm sóc và thu hái. Rút kinh nghiệm và tích cực học hỏi, ở những vụ sau, thành quả thu được là những cân nấm sò, mộc nhĩ bảo đảm chất lượng khiến cả gia đình vui mừng.
Năm 2016, khi có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bà Cầu là một trong những hộ tiên phong áp dụng. Bà chia sẻ: "Trồng nấm có nhiều công đoạn, quan trọng nhất là khâu nuôi cấy phải bảo đảm nhiệt độ ổn định giúp bao tử phát triển thành nấm. Việc bảo quản, lưu giữ sản phẩm cũng cần được quan tâm". Từ nhận định đó, ngoài sự hỗ trợ của huyện, bà Cầu đã đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng xây dựng 4 phòng lạnh để nuôi cấy nấm và một phòng lạnh bảo quản sản phẩm. Khi nguyên liệu được thanh trùng, để nguội nuôi cấy bào tử nấm xong thì đưa vào phòng lạnh để ủ. Đến khi nấm phát triển sẽ đưa ra nhà lán chăm sóc. Nấm thành phẩm được phân loại đóng gói đưa vào kho lạnh bảo quản vừa giúp chủ động số lượng cho thị trường vừa không bị ép giá.
Gắn bó với nghề trồng nấm đến nay đã 10 năm, mỗi vụ gia đình bà sản xuất trung bình từ 80 đến 120 tấn nguyên liệu, tương đương 1,2 - 1,4 vạn bịch. Sản phẩm thu hoạch đạt khoảng 4 tấn nấm sò tươi và hơn một tấn mộc nhĩ khô. Tùy thời điểm, giá bán dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò; 120.000 - 150.000 đồng/kg mộc nhĩ. Trừ chi phí, gia đình bà có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Ngoài sản xuất nấm, bà Cầu còn đầu tư khoảng 600 triệu đồng xây dựng khu nhà lưới diện tích 2.200 m2 để trồng rau xanh các loại theo quy trình VietGAP, có hệ thống tưới phun tự động. Mỗi năm thu hoạch hơn 10 tấn rau, sản phẩm làm ra được đối tác bao tiêu toàn bộ với giá bán thường cao gấp hai lần giá thị trường.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, bà Cầu đã thay đổi cách sản xuất nấm và rau xanh. Qua đó có được sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng, dễ tiêu thụ.
Văn Phương
Ý kiến bạn đọc (0)