"An cư" cho người có công
BẮC GIANG - Trở về từ chiến tranh, cuộc sống của nhiều thương binh, bệnh binh còn gặp khó khăn. Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó có giúp đỡ về nhà ở.
Chan chứa ân tình
Xã Ngọc Châu (Tân Yên) là địa phương có nhiều người tham gia kháng chiến. Theo thống kê, toàn xã có 869 người có công, trong đó có 645 người được Nhà nước tặng huân chương, 17 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 45 thương binh, 20 bệnh binh, 23 người bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc hoá học... Bà Nguyễn Thị Tuyến, công chức Lao động - Thương binh - Xã hội xã cho biết: Xã có 51 trường hợp người có công được hỗ trợ về nhà ở (chiếm số lượng nhiều nhất tỉnh - PV), cụ thể: Làm mới 27 nhà (mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà), sửa chữa 24 nhà (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà). Hiện qua rà soát, xã còn 21 trường hợp người có công đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở, trong đó có gia đình ông bà Nguyễn Hoài Thanh - Hoàng Thị Quy ở thôn Trung Đồng.
Bà Hoàng Thị Quy (bên trái) thôn Trung Đồng, xã Ngọc Châu (Tân Yên) vui mừng bên căn nhà đang xây dựng. |
Hơn một tháng qua kể từ khi khởi công xây dựng căn nhà mới, vợ chồng ông bà Thanh vui lắm. Ông Thanh nay ở tuổi 71, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị nhiễm chất độc hoá học; bà Thanh ở quê làm ruộng. Vợ chồng sinh được hai con trai, trong đó người con cả sinh năm 1978 bị ảnh hưởng chất độc từ bố, lấy vợ nhiều năm rồi song chưa có con, lại bị ung thư tuyến giáp phải mổ đến 3 lần. Cả hai con vào tỉnh Đồng Nai làm kinh tế lâu rồi.
“Căn nhà cũ ngay dưới chân tôi đứng đây xây dựng từ năm 1983. Thế nhưng nhà xây lâu quá nên dần xuống cấp rồi hỏng. Nhiều lần muốn sửa sang, xây mới nhưng ngặt nỗi chưa đủ tiền nên cứ chần chừ. Mới đây tỉnh, huyện phát động chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, hộ gia đình chính sách, cán bộ xã vào tận nhà truyền đạt ý kiến này” - bà Quy kể.
Háo hức về căn nhà mới sắp được xây dựng, hai ông bà nhẩm tính, đất đã có sẵn, mua nguyên vật liệu, trả công thợ hết tầm 250 triệu đồng, hiện đã tích cóp được 130 triệu, nghe nói được huyện, xã hỗ trợ không quá 50 triệu đồng. Đó là động lực lớn để vợ chồng bà quyết định vay mượn thêm tầm 70 triệu nữa để làm căn nhà mới. Hôm chúng tôi đến, căn nhà chuẩn bị cất nóc, diện tích xây dựng 54 m2, lợp mái tôn, trần thạch cao, hướng Đông Nam thoáng đãng, mát mẻ.
Thật khó nói hết niềm vui của những người đi gần hết đời người trong gian khó với cửa nhà xập xệ, nay có được căn nhà mới khang trang, xúc động hơn nữa khi đó là mái nhà nghĩa tình đồng chí, đồng đội, xóm làng. Ông Nguỵ Tôn Hải (SN 1950), bệnh binh 2/3 ở thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng) là một ví dụ. Vào chiến trường miền Nam từ năm 1971, trải qua nhiều cuộc chiến đấu, trở về địa phương, ông bị mất sức lao động đến 61%. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do sức khỏe yếu nên cuộc sống không thể dư dả. Tháng 7/2023, trong Chương trình “Màu hoa đỏ", ông được Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng 80 triệu đồng; huyện Yên Dũng tặng 10 triệu đồng; xã Tư Mại tặng 3 triệu đồng. Với tổng số tiền 93 triệu đồng, gia đình ông đã sửa sang ngôi nhà khang trang, mua sắm một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu.
Bệnh binh Nguỵ Tôn Hải, xã Tư Mại (Yên Dũng) nhận tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. |
Ông Tạ Quang Khải, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Yên Dũng cho biết: Chung một tấm lòng đối với những người có công với nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực thông qua các phong trào như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh và đỡ đầu con liệt sĩ. Hiện toàn huyện đã xây mới hơn 50 nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân người có công; xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được hơn 2 tỷ đồng.
Trách nhiệm lớn lao, nghĩa tình sâu nặng
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, sau 10 năm triển khai, toàn tỉnh có 2.731 hộ người có công đã được hỗ trợ về nhà ở, trong đó 1.736 hộ xây mới, 995 hộ sửa chữa. Qua rà soát, tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh còn 467 hộ người có công có nhà ở xuống cấp đề nghị hỗ trợ, trong đó xây mới 266 nhà, sửa chữa 201 nhà.
Với mục đích tạo chuyển biến căn bản về chất lượng nhà ở trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu mọi người dân Bắc Giang đều có nhà ở an toàn, ổn định, có điều kiện nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới vừa phát động ủng hộ. Với quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công trong năm 2024, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân; bà con quê hương đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ bằng kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt. Mỗi người một chút, của ít lòng nhiều đều chung tay ủng hộ.
Ông Ninh Văn Hà ở thôn Trung Đồng, xã Ngọc Châu (Tân Yên) là cai thầu xây dựng, nói: “Biết được chủ trương này của tỉnh, của huyện, tôi ủng hộ bằng cách hỗ trợ một phần tiền công xây dựng. Bình thường giá công thợ xây nhà cấp 4 mái tôn là 700 nghìn đồng/m2, khi nhận làm cho gia đình người có công tôi lấy mức 500 nghìn đồng/m2. Mấy năm vừa rồi, tôi đã nhận xây dựng nhà cho một số gia đình thương binh, người nhiễm chất độc da cam ở xã. Đó là chút tấm lòng của tôi nhằm hỗ trợ, tri ân công lao của những người chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng vết thương trên cơ thể những thương binh, bệnh binh, di chứng do chất độc da cam vẫn hằng ngày giày vò, đau nhức, nhất là lúc trái gió trở trời; một bộ phận gia đình chính sách, thân nhân của họ cuộc sống vẫn còn khó khăn. Với truyền thống thắm đượm tình người, ăn quả nhớ người trồng cây, bằng trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ làm mọi việc để cuộc sống của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, tốt đẹp hơn.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)