Thứ bảy, 01/06/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Nông nghiệp an toàn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn: Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản

Cập nhật: 20:17 ngày 26/07/2017
(BGĐT)- Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành) và GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) thời gian qua đã khẳng định ưu việt khi nhiều sản phẩm có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài, giá bán tăng đáng kể so với sản phẩm thông thường. 

{keywords}
Một điểm thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn.
Quả vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang là một trong những nông sản áp dụng các tiêu chuẩn trên vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Người dân Lục Ngạn trước đây chăm sóc vải theo kinh nghiệm cá nhân, thấy cây xấu thì bón phân, sâu bệnh thì phun thuốc phòng trừ, thời điểm phun, loại thuốc và liều lượng ít quan tâm. Nay, mọi chuyện đã khác. Được tập huấn, nhiều hộ trồng vải đã biết đến và làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm vì thế không chỉ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang Trung Quốc như trước mà đã có mặt ở nhiều nước, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản…Năm 2017, vải thiều VietGAP, GlobalGAP đạt mức giá từ 35 đến 60 nghìn đồng/kg, gấp 2-3 lần so với vải thông thường. 

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa, những năm qua, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất. Nhờ đó, cùng với vải thiều, Bắc Giang còn có một số sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn này gồm: Na dai Lục Nam, cam Lục Ngạn, rau cần Hoàng Lương (Hiệp Hòa), khoai tây Tân Yên…Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, các tổ chức, cá nhân cũng từng bước mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP và hướng VietGAHP.  

VietGAP (viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practice) là một bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành năm 2008 đối với từng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Cụ thể là những nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Thực tế cho thấy, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mang lại nhiều lợi ích. Nhiều người trồng rau cần ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) khẳng định làm theo quy trình này không quá phức tạp, chi phí sản xuất giảm đáng kể, sản phẩm lại được doanh nghiệp bao tiêu nên không lo đầu ra. Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến này sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết để nông sản Bắc Giang xâm nhập vào thị trường nước ngoài (ngoài vải thiều, rau cần Hiệp Hòa đã xuất khẩu sang Hàn Quốc). Một lợi ích nữa của sản xuất theo tiêu chuẩn là góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng do các loại thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát tốt trong quá trình chăm sóc cây trồng. 

Mặc dù vậy, phương thức sản xuất này lại chưa được áp dụng rộng rãi. Hiện toàn tỉnh có 13.000 ha (trong tổng số 29.500 ha) vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 1.200 ha được chứng nhận phù hợp với quy trình VietGAP, 10 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung chủ yếu tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam; 5-10 ha na được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Lục Nam. Ngoài ra, theo Đề án phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2013 – 2015 đã phát triển và chứng nhận gần 60 ha phù hợp quy trình VietGAP tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang; 20 ha khoai tây được chứng nhận GlobalGAP tại Tân Yên. Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, tỷ lệ chăn nuôi lợn an toàn sinh học (VietGAHP và theo hướng VietGAHP) chiếm khoảng 25% tổng đàn (1,1 triệu con); 30% tổng đàn (12 triệu con) gà được sản xuất theo quy trình an toàn sinh học. Diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học đạt hơn 350/12.300 ha.

{keywords}
Rau cần VietGAP Hoàng Lương (Hiệp Hòa) đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều thói quen xấu chưa được khắc phục như: Bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, chưa chú ý vệ sinh đồng ruộng; ngại nắm bắt kỹ thuật mới, ghi nhật ký quá trình sản xuất và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật khác. Thị trường tiêu thụ nông sản chưa thực sự ổn định, người tiêu dùng khó nhận biết sản phẩm VietGAP, GlobalGAP với các sản phẩm thông thường nên không sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm đó. Khi thực hiện một số điều kiện của quy trình chăn nuôi an toàn, nhất là các điều kiện về địa điểm, thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi người dân gặp nhiều khó khăn...

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập hiện nay, cũng như các sản phẩm hàng hóa khác, nông sản cũng phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định mới có chỗ đứng trên thị trường trong nước và có cơ hội xuất khẩu. Đời sống nâng lên, người tiêu dùng sẽ không dễ dãi như trước mà ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, chất lượng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn là xu thế tất yếu. Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP bám sát vào Nghị quyết 130-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020; Quyết định 2067/QĐ-UBND ngày 23-12-2014 của UBND tỉnh phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu trong trồng trọt là phát triển diện tích lúa chất lượng khoảng 35.000 ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn, diện tích rau chế biến, rau an toàn 8.000 ha, sản lượng 160.000 tấn, vải sản xuất theo VietGAP 15.000 ha, sản lượng 95.000 tấn, vải sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước châu Âu là 250 ha, sản lượng 1.750 tấn. Chăn nuôi theo hướng VietGAHP chiếm 40% tổng đàn đối với chăn nuôi lợn và 50 % tổng đàn đối với gia cầm. Diện tích nuôi thuỷ sản theo hướng VietGAHP, an toàn sinh học đạt 700 ha.

Trước yêu cầu đó, vấn đề đặt ra với chính quyền, ngành chức năng hiện nay là tiếp tục phổ biến rộng rãi quy trình VietGAP, GlobalGAP, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất theo phương thức này. Người nông dân chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.

Huy Nam

Chia sẻ:
san-xuat-nong-nghiep-theo-tieu-chuan-nang-cao-chat-luong-gia-tri-nong-san.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...