Thứ năm, 09/05/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động / Bắc Giang - Điểm đến của người LĐ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực

BẮC GIANG - Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động hoặc mở rộng quy mô đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động do nguồn cung hạn chế. Vì vậy, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đang tích cực phối hợp để hỗ trợ, bảo đảm nguồn nhân lực ổn định cho sản xuất.

Nhu cầu lớn nhưng khó tuyển

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh hiện có 9,5 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 306 nghìn lao động. Riêng trên địa bàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh có 426 DN hoạt động, sử dụng 191 nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Về thị trường lao động, theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh thuộc Sở LĐTBXH, hiện có 27 DN đăng ký tuyển dụng qua đơn vị với gần 35,7 nghìn vị trí việc làm trống. Trong số này, có 5 DN mới hoạt động, mở rộng sản xuất với nhu cầu tuyển gần 27 nghìn lao động.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Onechang Vina cơ sở 2.

Cuối tháng 2 năm nay, Công ty TNHH Onechang Vina (TP Bắc Giang) mở cơ sở 2 tại thôn Thượng, xã Cao Xá (Tân Yên). Để chủ động phương án sản xuất, bảo đảm các đơn hàng đã ký kết, DN này thông báo tuyển dụng khoảng 500 lao động ở cả 2 cơ sở với thu nhập cam kết từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. DN chỉ yêu cầu về sức khỏe, độ tuổi từ 18-40 cho cả nam và nữ. Ngoài tiền lương, người lao động còn được công ty chi trả một số đãi ngộ khác như trợ cấp xăng xe, chuyên cần, thưởng năng suất, con nhỏ, thâm niên, ăn ca. Toàn bộ lao động mới chưa có kỹ năng sẽ được DN đào tạo miễn phí sau khi ký hợp đồng.

Theo bà Hồ Thị Kim Anh, Trưởng phòng Nhân sự, để bảo đảm vận hành dây chuyền sản xuất mới, công ty tổ chức nhiều ngày hội tuyển dụng tại cơ sở 2 với các phần quà hấp dẫn; thưởng lao động mới có tay nghề lên đến 10 triệu đồng; thưởng người giới thiệu 2 triệu đồng/1 nhân sự mới. Tuy nhiên, số lượng ứng tuyển còn rất hạn chế. “Hiện cơ sở 2 mới chỉ vận hành được 1/3 dây chuyền sản xuất. Trong khi đó, nhà máy ở TP Bắc Giang cũng đang cần nhân lực. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khó bảo đảm tiến độ thực hiện các đơn hàng hiện có, uy tín với khách hàng có thể bị ảnh hưởng”.

Hiện nay, một số DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn như: Công ty TNHH Newwing Interconect Technology Bắc Giang (13 nghìn người), Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (8 nghìn người), Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam (3,8 nghìn người), Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam (790 người).

Dù đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng từ rất sớm nhưng nhiều công ty mới đi vào hoạt động gặp khó khăn trong tuyển lao động phổ thông. Đơn cử như Công ty TNHH DESAY Battery Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng). Sản xuất trong lĩnh vực pin, ắc quy, DN có nhu cầu tuyển khoảng 700 lao động. Dù tháng 6 mới đi vào hoạt động nhưng để chủ động nguồn nhân lực, từ đầu tháng 2 năm nay, lãnh đạo công ty đã triển khai nhiều hoạt động tuyển dụng.

Bà Trịnh Kiều Việt, phụ trách bộ phận hành chính, nhân sự của công ty cho biết: “Ban Giám đốc công ty rất lo lắng về nguồn lao động, bởi hiện nay, có nhiều DN trong và ngoài tỉnh cạnh tranh gay gắt. Ngoài treo các pano thông báo tuyển dụng khổ lớn tại cổng công ty và quanh KCN, đơn vị còn đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Đồng thời, đăng ký tuyển dụng với Trung tâm DVVL tỉnh để tạo cầu nối giúp lao động dễ dàng ứng tuyển. Tuy nhiên, hiện nay, số người đến nộp hồ sơ rất khiêm tốn”.

Liên kết đào tạo theo địa chỉ

Nhằm hỗ trợ DN tìm nhân lực, theo kế hoạch, năm 2024, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức 75 phiên giao dịch việc làm. Trong đó, có 49 phiên định kỳ, 6 phiên chuyên đề, 12 phiên lưu động, còn lại là các phiên online. Ngoài ra, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động; phối hợp với các huyện, thị xã, TP tuyên truyền các vị trí tuyển dụng của DN để lao động cập nhật và đăng ký. Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu thị trường lao động, tham mưu với Sở LĐTBXH thành lập các tổ công tác đi các tỉnh có nguồn cung lao động dồi dào để ký kết các chương trình hợp tác trong cung ứng nhân lực cho tỉnh.

Công ty TNHH DESAY Battery Vina phỏng vấn người lao động tại phiên giao dịch việc làm tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, sau 4 đoàn xúc tiến thu hút lao động do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đến các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, đơn vị tập trung phối hợp với trung tâm DVVL các tỉnh bạn trong hoạt động kết nối tuyển dụng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hoạt động liên kết với các trường nghề, DN trong đào tạo, cung ứng nhân lực. Mô hình đào tạo theo địa chỉ này mang lại lợi ích “kép” khi vừa giúp DN có nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, tiết kiệm chi phí tuyển dụng, mang đến cho học sinh, sinh viên ra trường cơ hội việc làm ổn định, thu nhập khá.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang cho biết, đến nay, nhà trường ký kết hợp tác với gần 100 DN trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho học sinh thực hành, thực tập, mở ra cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp. Kết quả, hơn 90% học sinh được các DN tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp với vị trí việc làm đúng chuyên môn và mức thu nhập từ 9-12 triệu đồng/tháng. Để nâng cao hiệu quả mô hình này, ngay từ đầu năm học, trường tích cực thực hiện công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn huyện Yên Thế, các vùng lân cận. Đồng thời, bổ sung danh mục và tập trung đào tạo các ngành, nghề như: Điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, hàn. Đây đều là những ngành trọng điểm, các nhà đầu tư có nhu cầu cao về nhân lực.

Dự báo từ nay đến cuối năm, các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 52 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông của ngành điện tử, may mặc. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, những năm qua “làn sóng” đầu tư vào các KCN của Bắc Giang tăng cao kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng lớn. Khi đó, nguồn cung lao động khó có thể đáp ứng kịp. Mặt khác, sự cạnh tranh chế độ, đãi ngộ giữa các DN cũng gây ra không ít xáo trộn về lao động.

Để ổn định thị trường, đáp ứng nguồn nhân lực cho DN phát triển, Sở LĐTBXH chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh tập trung điều tra, dự báo sát cung - cầu hằng năm; thường xuyên thông tin về nhu cầu tuyển dụng đến các địa phương để lao động dự tuyển; tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Đặc biệt, quan tâm liên kết dạy nghề theo địa chỉ, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với yêu cầu DN; chủ động rà soát hệ thống trường nghề, xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thị trường. Về phía DN nên điều chỉnh các yêu cầu tuyển dụng sao cho phù hợp, sử dụng cả nam, nữ và lao động trung tuổi để tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho nhiều người.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên

Chia sẻ:
ho-tro-doanh-nghiep-on-dinh-nguon-nhan-luc-073339.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...