Thứ bảy, 01/06/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 14:18 ngày 17/05/2024

BẮC GIANG - Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, được đánh giá khó thực hiện. Thời gian qua, tại một số địa phương, nhất là ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh dù đã đạt tiêu chí này song khó duy trì, cần có giải pháp để giữ vững.

Nông thôn mới mà... chưa sạch

Sau khi đạt chuẩn tiêu chí NTM, việc tiếp tục duy trì bền vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí là một trong những nhiệm vụ được yêu cầu thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua có địa phương còn hiện tượng xao nhãng công tác này. Lục Sơn và Bình Sơn là hai xã về đích NTM từ tháng 3/2023, đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để huyện Lục Nam đạt chuẩn NTM vào đầu năm nay. Dù vậy, theo khảo sát mới đây, tại địa bàn giáp ranh giữa hai xã, rác thải bị vứt bừa bãi, tràn xuống lòng suối Còng (còn gọi là suối Đủng Đỉnh).

Rác thải bị đổ xuống suối Còng, nơi tiếp giáp giữa xã Lục Sơn và Bình Sơn (Lục Nam).

Theo một số người dân sinh sống gần đó, tình trạng này diễn ra suốt nhiều tháng song chưa được thu gom, xử lý kịp thời, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Đáng ngại hơn, rác có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước suối. Trao đổi với ông Phạm Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn được biết, cây cầu bắc qua suối Còng chảy qua hai xã Bình Sơn - Lục Sơn. Rác thải tại đây do người dân nơi khác mang đến đổ. Vừa qua, UBND xã đã tổ chức thu gom, tiêu hủy rác song nguy cơ tiếp tục bị đổ trộm tại khu vực này vẫn hiện hữu khi một số thôn ở những xã lân cận chưa có bãi rác tập trung.

Tương tự, xã Nghĩa Phương về đích NTM từ năm 2021 song tiêu chí môi trường trên địa bàn có dấu hiệu không được giữ vững. Tình trạng rác thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định xuất hiện ở nhiều nơi. Đơn cử như tại khu đất thuộc thôn Dùm nằm ngay bên đường tỉnh 293 có nhiều đống rác lớn bốc mùi rất khó chịu. Tại đây, UBND xã đã đặt biển cấm đổ rác song một số người dân vẫn thường xuyên mang rác ra đổ. Để hạn chế mùi hôi từ các đống rác này, thi thoảng các hộ dân ở gần lại ra đốt gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Được biết, xã Nghĩa Phương có 7 điểm phát sinh, tồn lưu rác như trên. Theo ông Chu Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã, xã có 21 thôn nhưng chưa có điểm tập kết, xử lý rác thải, xã cũng chưa thành lập tổ thu gom rác. Hiện mới có 5 thôn ký hợp đồng với một đơn vị tư nhân thu gom, vận chuyển rác đi nơi khác xử lý, còn lại người dân tự xử lý tại nhà. Một số hộ ý thức kém đã đưa rác ra ven đường, bãi đất trống, ven suối vứt bừa bãi.

Ở một số vùng nông thôn khác cũng xuất hiện những điểm đổ rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường như tại các xã: Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên); Quế Nham, Tân Trung (Tân Yên); Cương Sơn (Lục Nam); Hương Gián (Yên Dũng), Dĩnh Trì (TP Bắc Giang)…

Cần duy trì, nâng tiêu chí

Toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đồng thời bố trí 2,2 nghìn điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 94,4%, tương đương 887,6 tấn/ngày. Ngoài ra, có 66 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, trong đó có 3 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh quy mô cấp huyện (TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Thế); đưa vào hoạt động 28 lò đốt công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt lắp đặt theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh (Lạng Giang 10 lò, Lục Ngạn 4 lò, Yên Thế 3 lò, Tân Yên 3 lò, Sơn Động 2 lò, Hiệp Hòa 1 lò, Lục Nam 5 lò), nâng tổng số lò đốt công nghệ toàn tỉnh lên 78.

Toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đồng thời bố trí 2,2 nghìn điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 94,4% tương đương 887,6 tấn/ngày.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong xây dựng NTM, nhìn chung ý thức, trách nhiệm các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc thu gom, xử lý rác thải, phân loại rác có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Các huyện, thị xã, TP đã xây dựng các mô hình ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh, tuyến đường tự quản, trồng hoa, cây xanh, tuyến đường bích họa, vừa góp phần tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp, vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Môi trường khu vực nông thôn vẫn đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ ô nhiễm do sự phát triển nhanh của các cụm công nghiệp, làng nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Còn tình trạng xả chất thải hữu cơ trong chăn nuôi ra môi trường, vấn đề thực hiện tiêu chí về phân loại rác thải tại nguồn đối với các xã NTM nâng cao gặp khó khăn do thói quen sinh hoạt của người dân, hạ tầng xử lý rác thải chưa đồng bộ”.

Để tạo chuyển biến tích cực trong việc thu gom, xử lý rác thải ở địa bàn nông thôn, các địa phương cần thực hiện đồng bộ giải pháp giữ vững, nâng cao tiêu chí môi trường. Tích cực nhân rộng, phát triển các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng các khu dân cư xanh- sạch- đẹp. Quan tâm rà soát các điểm tồn lưu rác thải để có kế hoạch khắc phục. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo đảm hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các đơn vị, địa phương được thực hiện đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, không để tồn lưu rác thải trong khu dân cư.

Quan tâm tuyên truyền, vận động, tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải; duy trì thực hiện tốt ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh; nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, khu dân cư. Chú trọng quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các khu xử lý rác; hỗ trợ kinh phí, phương tiện bảo hộ cho các tổ vệ sinh môi trường; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn.

Xây dựng NTM là hành trình không ngừng nghỉ. Việc duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM (trong đó có tiêu chí môi trường) là nhiệm vụ khó, đòi hỏi các địa phương phải thường xuyên quan tâm; các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Khi đạt chuẩn rồi cần nâng cấp các tiêu chí để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; hạ tầng cơ sở nông thôn khang trang, hiện đại, văn minh hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:
giu-vung-tieu-chi-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-082053.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...