bacgiang-van-hoa

Giáo sư Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934 ở Mỹ Văn (Hưng Yên), là con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân. Từ nhỏ, ông sớm bộc lộ đam mê âm nhạc.

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tô Ngọc Thanh. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Những năm 1949-1951, ông làm Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến. Năm 1951, đoàn giải thể, ông thi đỗ trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó học Khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên.

Năm 1959, Tô Ngọc Thanh được phân công về ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ đó, giáo sư bắt đầu hành trình sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc.

Hơn 50 năm lặn lội khắp núi rừng đến các buôn, bản làng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, giáo sư đã hoàn thành nhiều công trình như Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), Âm nhạc dân gian Mường (1971), Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979), Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995). Ngoài ra, ông đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca tiêu biểu của người dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc.

Tô Ngọc Thanh từng giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam, sau đó là Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ba khóa liên tiếp. Năm 2010, giáo sư đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Ông từng nhận giải Nhất do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng (1972), 4 giải nhất của tổ chức Trung tâm Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt một năm 2001. Ngoài ra, ông được tặng thưởng nhiều huân chương của Nhà nước. Năm 1991, Tô Ngọc Thanh được phong hàm giáo sư.

Theo VnExpress

giao-su-to-ngoc-thanh-qua-doi-074620.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...