kinh-te

Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng BCĐ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; đại diện lãnh đạo 42 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có các công ty nông, lâm nghiệp...

Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. 

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ đổi mới và phát triển DN tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các công ty: TNHH một thành viên Mai Sơn và Lục Nam; Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn và Yên Thế.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành hướng dẫn xây dựng, tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo đề nghị của các địa phương, tập đoàn, tổng công ty.

Hiện cả nước có 161/256 (đạt 63%) công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại 31 địa phương, 3 tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, bao gồm: 76 công ty tái cơ cấu, giữ nguyên mô hình công ty TNHH một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 54 công ty thực hiện cổ phần hóa; 22 công ty chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; 3 công ty chuyển thành ban quản lý rừng, 6 công ty thực hiện giải thể.

Còn 95 công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới theo phương án được phê duyệt và chưa được phê duyệt phương án tại 24 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và 2 tổng công ty.

Nguyên nhân của việc chậm hoàn thành sắp xếp, đổi mới là do nhận thức của một số cấp ủy đảng về vai trò, nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chưa đầy đủ, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. 

Quá trình tổ chức thực hiện ở một số địa phương thiếu quyết liệt, chưa phù hợp với thực tế và cơ chế thị trường. Một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, những tồn tại về tài chính, đất đai chưa có hướng dẫn xử lý dẫn đến sự lúng túng ở nhiều địa phương.

Năng lực, trình độ quản lý DN của một số lãnh đạo, cán bộ quản lý trong công ty nông, lâm nghiệp còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Một số địa phương khi thực hiện sắp xếp DN (cổ phần hóa, thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể…) chưa xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty. Trong đó, tập trung vào nhóm vấn đề như: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài chính của DN; giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích; hoàn thành rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có cơ chế hỗ trợ đối với các công ty giải thể…

Tại tỉnh Bắc Giang, đến nay đã hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 326/TTg-ĐMDN ngày 29/2/2016. Theo đó, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn thực hiện theo 2 hình thức: Giải thể, bàn giao nguyên trạng toàn bộ diện tích đất rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơn Động sang Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động quản lý; thực hiện góp vốn với đối tác để thành lập các công ty: TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn, Lục Nam, Mai Sơn, Yên Thế.

Tỉnh đã hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi 3/5 DN theo phương án được phê duyệt. Hiện còn Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn chưa hoàn thành việc chuyển đổi do DN đối tác cam kết góp vốn nhưng đã có thông báo không tham gia theo kế hoạch. Hiện cả 2 công ty tiếp tục hoạt động theo loại hình công ty TNHH một thành viên và mô hình chủ tịch công ty kiêm giám đốc. UBND tỉnh đã giao các công ty chủ động tìm kiếm đối tác mới tham gia góp vốn để chuyển đổi theo phương án đã được phê duyệt.

Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Minh Khái đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh, công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thời gian tới, đồng chí đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp nhu cầu ngân sách nhà nước hỗ trợ các công ty giải thể nhưng mất khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính để xây dựng báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, phương án điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo đề nghị của các địa phương.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, bộ, ngành có liên quan và các địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cơ chế hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể mất khả năng thanh toán; bổ sung vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp là công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, được quy định tại khoản 7, Điều 1, Nghị định số 04/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản hướng dẫn Nghị định 118/2014/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 04/2024/NĐ-CP. Nghiên cứu, đề xuất việc xử lý tài chính khi thực hiện chuyển giao doanh nghiệp cùng đại diện chủ sở hữu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất đai không đúng mục đích.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ngăn chặn việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và T.Ư trên địa bàn. Hoàn thành việc tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý.

Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp. Xây dựng phương án sắp xếp, điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6 tới.

Kết luận tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát, nghiên cứu các quy định, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động, chuyển đổi và hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn, qua đó tham mưu cho tỉnh hướng giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả đối với các công ty này trong thời gian tới.

 Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

day-manh-sap-xep-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-cong-ty-nong-lam-nghiep-183325.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...