hiep-hoa-nguoi-tot-viec-tot

Để xây dựng lớp học hạnh phúc, trẻ phát huy khả năng sáng tạo, cô Lan trang trí lớp học theo hướng thân thiện, thay đổi theo từng chủ đề bằng những con số, chữ cái giúp trẻ dần làm quen. Hình ảnh những con vật, bông hoa, chùm quả ngộ nghĩnh giúp trẻ tưởng tượng như đang chăm sóc khu vườn trong gia đình. Các đồ dùng, đồ chơi đa dạng được cô tự làm, trưng bày như một siêu thị thu nhỏ trong góc phân vai của lớp để trẻ tham gia chơi trò bán hàng, nấu ăn... giúp trẻ thỏa sức sáng tạo khi tham gia hoạt động.

Cô Nguyễn Thị Lan trong giờ dạy.

Nhiều năm chủ nhiệm lớp 5-6 tuổi, cô Lan luôn đổi mới cách tổ chức, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ để phù hợp với điều kiện thực tế của lớp. Cô quan tâm đến từng trẻ, nhất là những cháu có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng về sức khỏe và có khả năng riêng biệt để làm sao tất cả trẻ đều được thoải mái, vui vẻ, hứng thú, tự tin khi đến lớp.

Là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán của trường nên cô thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm hay trong công tác chủ nhiệm lớp, cách thức tổ chức linh hoạt, có hiệu quả trong phương pháp dạy học, chăm sóc giáo dục trẻ và những định hướng khi thiết kế bài học, các hoạt động giáo dục, cách tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục trong các bài học, thực hiện chuyển đổi số…

Chồng cô Lan là công nhân giao thông đường bộ, thường xuyên đi theo công trình, cô vừa dạy học, vừa chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy 2 con trai. Ngoài ra, cô còn tăng gia sản xuất trên diện tích hơn 7 nghìn m2 vườn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ có mái ấm gia đình tràn ngập yêu thương và kinh tế ổn định, cô có động lực dành nhiều tâm huyết cho nghề giáo.

23 năm tuổi nghề, 19 năm tuổi đảng, cô Lan đã có 8 chu kỳ liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 4 chu kỳ đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô được UBND huyện khen thưởng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua.

Bài, ảnh: Phương Nhung