Yên Thế: Nâng hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở
Lòng dân đồng thuận
Tại một số xã như: An Thượng, Xuân Lương, Hồng Kỳ, Hương Vĩ, Đồng Tâm, Đồng Lạc, nhà văn hóa, sân vận động, sân bóng chuyền hơi, khuôn viên… ở các thôn hầu hết được xây dựng khang trang. Nhiều nơi có dụng cụ tập luyện thể dục thể thao (TDTT) ngoài trời. Phần lớn kinh phí xây dựng các công trình này do nhân dân tự đóng góp. Trung bình, mỗi nhà văn hóa trị giá từ 1 đến 1,5 tỷ đồng tùy theo quy mô.
Trung tâm văn hóa thể thao xã Hồng Kỳ được xây dựng khang trang. |
Để huy động kinh phí, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương xây dựng các TCVHTT. Gia đình đảng viên gương mẫu đi đầu, đồng thời tích cực vận động các hộ khác làm theo. Nhiều hộ đã tình nguyện hiến từ vài trăm đến hàng nghìn m2 đất để làm công trình phúc lợi công cộng.
Ông Bùi Xuân Cung, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: Số vốn xây dựng các công trình này rất lớn, trong khi để đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể làm manh mún, chắp vá, phải quyết tâm mới có thể hoàn thành. Lãnh đạo UBND xã gửi thư kêu gọi con em của quê hương làm ăn xa, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn xã chung sức ủng hộ.
Hiện 10/10 thôn của xã đều có nhà văn hóa đạt chuẩn. Năm 2022, xã phấn đấu có 3 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu gồm: An Thành, Lan Thượng, Non Sáu.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân, thời gian qua, nhất là khi triển khai Đề án của UBND tỉnh và Kế hoạch của UBND huyện Yên Thế về phát triển hệ thống TCVHTT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tích cực vào cuộc, huy động mọi nguồn lực đầu tư.
Việc phát triển hệ thống TCVHTT được triển khai đồng bộ, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, UBND huyện giao nhiệm vụ trọng tâm cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn về chỉ đạo, triển khai xây dựng các TCVHTT ở cơ sở.
5 năm qua, toàn huyện có 10 nhà văn hóa xã xây mới với kinh phí gần 20 tỷ đồng; đầu tư 12 sân bãi, công trình thể thao cấp xã số tiền gần 7 tỷ đồng. Các thôn, bản, tổ dân phố dành gần 80 tỷ đồng xây dựng và nâng cấp hơn 160 nhà văn hóa.
Hiện nay, hơn 90% nhà văn hóa các thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có đầy đủ bàn ghế, trang âm, loa đài để phục vụ các hoạt động. Các thôn, bản, tổ dân phố đã đầu tư, xây dựng, nâng cấp 13 sân bóng đá; hơn 90 sân bóng chuyền hơi, sân cầu lông ngoài trời với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Xây dựng 100% TCVHTT cơ sở đạt chuẩn
Cùng với huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, việc khai thác, sử dụng hiệu quả các TCVHTT được huyện quan tâm chỉ đạo. Các nhà văn hóa, sân vận động, sân TDTT thu hút đông đảo người dân tham gia chơi bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông; tổ chức biểu diễn văn nghệ, khiêu vũ.
Các hoạt động này không chỉ rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần mà còn gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần giảm các tệ nạn xã hội đối với thanh, thiếu niên. Nhiều di tích lịch sử, nhà văn hóa sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa điểm tổ chức các chương trình ngoại khóa, giáo dục truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Tại xã Đông Sơn, ngoài việc tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, một số nhà văn hóa ở khu trung tâm với diện tích khuôn viên lớn còn được sử dụng để người dân tổ chức đám cưới, vừa bảo đảm về không gian, vừa trang trọng, văn minh, tiết kiệm chi phí cho các gia đình.
Trên địa bàn xã có 2 di tích được xếp hạng quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh, trong năm 2020 và 2021 ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp khoảng 2 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của bà con.
Giai đoạn 2021-2030, huyện phấn đấu 100% xã, thị trấn có sân vận động và đầy đủ các công trình TDTT, sân chơi, bãi tập. 100% nhà văn hóa xã, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn. UBND các xã, thị trấn coi công tác phát triển hệ thống TCVHTT là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH ở địa phương cần tập trung chỉ đạo".
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế |
Việc huy động nguồn lực xây dựng các TCVHTT ở huyện Yên Thế là một trong những yếu tố giúp nâng tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa từ 74-75%; tỷ lệ gia đình văn hóa từ 85-86%, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy KT-XH ở địa phương phát triển.
Bài học kinh nghiệm được huyện rút ra là: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chủ trương, lợi ích, từ đó tích cực tham gia, hưởng ứng. Phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân giám sát", tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Làm tốt công tác quy hoạch, huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia. Các công trình phúc lợi phải mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và cộng đồng. Coi trọng vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tổ chức đoàn thể, trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Theo kế hoạch, sau năm 2025, huyện phấn đấu về đích nông thôn mới, vì vậy công tác này tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo rà soát các TCVHTT ở xã, thôn, bản, tổ dân phố chưa đạt yêu cầu để xây mới, nâng cấp.
Giai đoạn 2021-2030, huyện phấn đấu 100% xã, thị trấn có sân vận động và đầy đủ các công trình TDTT, sân chơi, bãi tập phục vụ tập luyện, thi đấu. 100% nhà văn hóa xã, thị trấn, thôn, bản, phố đạt chuẩn; xây mới, nâng cấp 24 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. UBND các xã, thị trấn coi công tác phát triển hệ thống TCVHTT là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH cần tập trung chỉ đạo.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa; huy động nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em thành đạt, những tầng lớp nhân dân để đầu tư, hỗ trợ xây dựng các công trình. Chỉ đạo tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT hướng về cơ sở; các hoạt động ngoại khóa, giáo dục tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa nhằm phát huy giá trị TCVHTT ở các địa phương .
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)