Yên Dũng: Mỗi sản phẩm, một nét đặc sắc cho du lịch
Du khách tham quan cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi. |
Được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Dũng giới thiệu, chúng tôi về thăm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Trí Yên. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX chia sẻ, đây là trụ sở, cũng là điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX đến du khách mỗi khi thăm chùa Vĩnh Nghiêm. Với 10 xã viên, mỗi năm đơn vị sản xuất, cung cấp cho thị trường hơn 30 nghìn lít tương mang nhãn hiệu tương Trí Yên (hay tương La - PV) và 11 tấn nấm các loại.
Thời gian qua, HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại hầu hết các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, TP. Trong đó, khách hàng chủ yếu là du khách thăm chùa Vĩnh Nghiêm. Sau khi mua tương sử dụng và làm quà thấy ngon, khách đã trở lại đặt mua số lượng lớn. Thậm chí, trước sự phản hồi tích cực của người dùng, nhiều du khách đã trở thành đại lý phân phối tương cho HTX. Đến nay, tương Trí Yên đã có gần 10 đại lý chính thức phân phối tại các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Dương, TP Hà Nội...
Xác định sản xuất gắn với khai thác tiềm năng du lịch chùa Vĩnh Nghiêm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trí Yên đang đầu tư, đổi mới mẫu mã, hoàn thiện nhãn hiệu sản phẩm. “HTX chú trọng nâng cao chất lượng, uy tín cho sản phẩm. Chỉ những hộ sản xuất theo công thức chung, được HTX cung cấp nguyên liệu và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng mới được đóng gói, dán tem, sử dụng lô gô chung. Chúng tôi kiên quyết không đổi chất lượng để chạy theo số lượng”, ông Nguyễn Anh Tuấn quả quyết nói.
Cũng xác định gắn sản xuất với tiềm năng du lịch trên địa bàn, cơ sở gốm làng Ngòi, xã Tư Mại (Yên Dũng) đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ nung gốm... Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến, chủ cơ sở cho biết, động lực để đơn vị đầu tư là khoảng 2 nghìn khách đến tham quan mỗi năm thời gian qua. Hiện, đơn vị đang nghiên cứu thu nhỏ bức tranh gốm chùa Vĩnh Nghiêm và sản phẩm chum tương Trí Yên để các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trở thành đồ lưu niệm hấp dẫn, đáp ứng lòng mong mỏi của du khách.
Theo UBND huyện Yên Dũng, tiềm năng phát triển du lịch của huyện hiện nay còn lớn. Không chỉ khai thác tốt lợi thế chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, UBND huyện đang chú trọng thu hút đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng Khe Hang Dầu, thôn Kem, xã Nham Sơn. Ban trị sự chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đang khảo sát, lập quy hoạch triển khai xây dựng chùa Ba Vàng Bắc Giang trên dãy núi Nham Biền tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Neo và xã Tân Liễu... hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn du khách. Cùng với du lịch, UBND huyện xây dựng đề án phát triển kinh tế, hàng hóa tạo sự phong phú, đa dạng; khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm gắn với du lịch, trở thành quà lưu niệm, cung cấp đặc sản cho du khách như làng nghề mộc Đông Thượng, xã Lãng Sơn và một số sản phẩm nông nghiệp như gạo thơm, rau sạch Yên Dũng...
Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch trên địa bàn thời gian tới, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, HTX hoàn thiện đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Vũ Văn Hòe, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết, huyện chú trọng hỗ trợ các đơn vị xây dựng bao bì, nhãn mác, quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực giúp các cơ sở mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tích cực hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, đào tạo nghề, giới thiệu tham gia các hội chợ, triển lãm, thi tay nghề thợ giỏi... Huyện cũng sẽ hỗ trợ, định hướng các công ty lữ hành kết nối các tour du lịch đưa khách đến tham quan thực tế tại cơ sở.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)