Yên Dũng khai thác lợi thế ba loại hình du lịch
Dự án sân golf và dịch vụ huyện Yên Dũng cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: Đức Hoàn. |
Đồng chí Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện cho biết: Bám sát yêu cầu của nghị quyết, UBND huyện xây dựng kế hoạch, trong đó tập trung vào ba loại hình, sản phẩm du lịch chính và cũng là thế mạnh của huyện gồm: Văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng và thể thao - giải trí. Trong đó, điểm nhấn của du lịch văn hóa - tâm linh có chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng đang được xây dựng; loại hình thể thao - giải trí hạt nhân là Dự án sân golf và dịch vụ thuộc hai xã Tiền Phong, Yên Lư. Cùng đó, thiên nhiên ban tặng cho Yên Dũng dãy núi Nham Biền được bao bọc bởi ba con sông lớn là điều kiện để huyện khai thác, phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng.
Thời gian qua, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết được triển khai tích cực. Trong công tác quy hoạch, huyện phối hợp với các sở, ngành quy hoạch lại quần thể dãy núi Nham Biền, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Hiện có nhiều doanh nghiệp khảo sát đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại đây.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND huyện làm chủ đầu tư lập quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017; xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng đến năm 2020. Nhằm tạo sự kết nối về giao thông, huyện cũng xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng tuyến đường từ cầu Bến Đám sang đường tỉnh 293.
Năm 2016, huyện Yên Dũng thu hút 125 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có 5.500 khách quốc tế (tăng hơn hai lần so với năm trước). Quý I năm nay, lượng du khách tăng đột biến với hơn 40 nghìn lượt người. Kết quả này là nhờ các điểm du lịch trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư hoàn thiện, công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng hơn. |
Cùng với công tác quy hoạch, từ năm 2016 đến nay, huyện tập trung cao phát triển hạ tầng, trọng điểm là chùa Vĩnh Nghiêm. Đến nay, việc mở rộng khuôn viên, xây dựng nhà lưu giữ Mộc bản của chùa đã hoàn thành, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Theo lộ trình đến năm 2020, mỗi năm sẽ có một hạng mục trong chùa được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, Dự án sân golf và dịch vụ huyện đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu tháng 6-2017 hoàn thành giai đoạn 1, tổng diện tích 83 ha.
Tại Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng dự kiến khánh thành Chính điện trong tháng 6; đường nối từ Thiền viện sang chùa Kem, xã Nham Sơn (một trong những di tích nằm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế) đã khởi công xây dựng, mở rộng với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, hạ tầng đô thị, giao thông cũng được huyện quan tâm đầu tư, trong đó ba khu đô thị lớn gồm: Lạc Phú (nằm dưới chân Thiền viện), khu Gwin và khu đô thị tiểu khu 2, 3 bước đầu hình thành với mục tiêu thu hút một số dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu lưu trú du lịch từ 2-3 sao.
Có thể thấy, qua thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch, bức tranh du lịch Yên Dũng đã có những khởi sắc. Từ kết quả bước đầu, thời gian tới UBND huyện xác định tiếp tục phát triển mạnh cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch và hạ tầng giao thông, đô thị. Tập trung ưu tiên hoàn thiện các hạng mục quan trọng của Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng; giai đoạn 2 sân golf và dịch vụ huyện. Xây dựng bến thuyền trên sông Lục Nam thuộc khu vực gần chùa Vĩnh Nghiêm để kết nối du lịch đường sông với Đền Kiếp Bạc - Côn Sơn (Hải Dương).
Nâng tầm lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, trong đó chú trọng khôi phục, phát huy giá trị truyền thống như việc tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, xây dựng các khu nghỉ dưỡng quanh khu vực núi Nham Biền. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch đất Phượng Hoàng thông qua in ấn, phát hành tài liệu, sách, tờ rơi, đĩa CD về các sản phẩm du lịch, hệ thống các di tích lịch sử trên địa bàn; duy trì, nâng cao chất lượng cuộc thi tìm hiểu “Em yêu lịch sử quê em”...
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo phát triển một số thương hiệu, sản vật địa phương như: Tương La, mộc Đông Thượng, gốm làng Ngòi, gạo thơm Yên Dũng… Phấn đấu đến năm 2020 mỗi điểm du lịch có ít nhất một sản phẩm lưu niệm đặc trưng, đưa huyện trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh.
Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)