Y tế Bắc Giang: Áp dụng kỹ thuật cao, mang đến sự hài lòng cho người bệnh
Thành lập Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cứu chữa nhiều ca bệnh khó
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, tháng 11/2022, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở tổ chức lại Khoa Truyền nhiễm. Trung tâm gồm các đơn nguyên điều trị: Hồi sức cấp cứu, nhiễm khuẩn tổng hợp, vi rút - ký sinh trùng. “Sẵn sàng” là hai từ mà bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm khẳng định. Hiện Trung tâm có đội ngũ nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước đây, đơn vị không có bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, khi có bệnh nhân nặng phải chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị, vì vậy nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Lúc cao điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện tăng cường bác sĩ hồi sức cấp cứu hỗ trợ, có lúc bị động vì thiếu nhân lực chuyên môn, phải xoay xở rất vất vả. Ngay khi thành lập Trung tâm, đơn vị được bổ sung thêm 4 điều dưỡng, 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 1 nhân viên hộ lý, tổng số nhân lực hiện có là 30 người.
Can thiệp mạch được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2017, là một trong những kỹ thuật cao của y học hiện đại. Hơn 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19 song các bác sĩ không ngừng hoàn thiện, nâng cao tay nghề, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật này trong cấp cứu các ca bệnh về mạch máu, khối u (gan, lá lách, thận, não, u xơ tử cung, phình mạch, dị dạng mạch...). Hàng chục bệnh nhân ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ can thiệp trong lòng mạch máu bằng dây dẫn siêu vi chỉ nhỏ như sợi tóc di chuyển đến vị trí tổn thương, khối u để can thiệp. Ưu điểm của kỹ thuật là bệnh nhân được gây tê một phần khu vực can thiệp nên hoàn toàn tỉnh táo, ít mất máu. Mới đây, 2 bệnh nhân bị đa chấn thương vùng ngực, máu chảy trong bụng ồ ạt. Sau khi chẩn đoán, xác định vị trí mạch vỡ, ngay lập tức, các bác sĩ triển khai phẫu thuật, nút mạch máu bằng keo sinh học, giữ được mạng sống cho người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh quản lý, vận hành hệ thống chụp cắt lớp vi tính 64-128 dãy hiện đại. |
Theo Sở Y tế, năm 2022, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng được các cơ sở y tế quan tâm. Sở Y tế đã phê duyệt mới và phê duyệt bổ sung 4.017 kỹ thuật. Trong đó có nhiều kỹ thuật cao như: Phẫu thuật nội soi thận - tiết niệu (Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang); phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (Trung tâm Y tế huyện Sơn Động); chụp cộng hưởng từ (Bệnh viện Đa khoa Anh Quất); tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hà Nội - Bắc Giang)... Đặc biệt, sau một thời gian đào tạo nhân lực từ tuyến T.Ư, tháng 10/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai được kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO, lọc máu liên tục cấp cứu, lọc màng bụng; Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang thực hiện được kỹ thuật lọc rửa và bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Nâng chất lượng phục vụ người bệnh
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc hằng ngày rất cao đã ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn y tế, đặc biệt là công tác khám chữa bệnh và phát triển kỹ thuật mới. Số lượng người đến khám chữa bệnh giảm sâu so với thời điểm trước khi xảy ra dịch, ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, nguồn thu dịch vụ và tình hình thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Ngay sau khi dịch lắng xuống, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao trở lại, ngành Y tế tập trung chỉ đạo đơn vị điều trị nâng cao kỹ thuật khám, chữa bệnh đi đôi với các giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, hướng tới chăm sóc người bệnh toàn diện.
Năm 2022, ước tính toàn tỉnh có 2,2 triệu lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, tăng 11,5% so với năm 2021. |
Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm những thủ tục không cần thiết; đội ngũ cán bộ, nhân viên đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trang bị hệ thống đọc mã vạch thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi tiếp đón người bệnh có BHYT, lấy số khám bệnh tự động giảm thời gian chờ đợi; bố trí sơ đồ, biển báo hướng dẫn vị trí các khoa, phòng, bộ phận thuận tiện, dễ quan sát; sắp xếp lại khu vực thanh toán thu viện phí nội, ngoại trú; niêm yết công khai giờ khám bệnh, giờ trả kết quả cận lâm sàng, giá dịch vụ y tế.
Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng là cơ sở y tế hạng II sau khi sáp nhập 3 đơn vị tuyến huyện là: Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh: "Chúng tôi thành lập Tổ công tác xã hội, bộ phận tiếp đón có trang phục lịch sự để hướng dẫn người dân. Từ tháng 10/2022, đơn vị không thu phí gửi xe đối với tất cả người dân đồng thời vẫn duy trì đội ngũ bảo vệ trông giữ xe".
Trung tâm Y tế huyện Lục Nam triển khai đơn nguyên khám, điều trị huyết áp, tiểu đường. Các tòa nhà mới xây tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Thế, Hiệp Hòa có thang máy, hệ thống điều hòa trung tâm, ngầm hóa hệ thống cung cấp ô xy phục vụ cấp cứu. Bệnh viện Ung bướu tỉnh và các trung tâm y tế bố trí căng tin, bếp ăn, dịch vụ phụ trợ phục vụ nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân và người nhà. Ông Phạm Tiến Đức, xã Đông Phú (Lục Nam) điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh nói: “Dịch vụ khám, chữa bệnh và dịch vụ ăn uống, phục vụ sinh hoạt cá nhân của người bệnh được đáp ứng giúp chúng tôi yên tâm khi đi viện”.
Năm 2022, Sở Y tế đã tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công tỉnh Bắc Giang. Kết quả, tỷ lệ người được khảo sát hài lòng chung đối với ngành Y tế đạt 89,2%, tăng 0,4% so với năm 2021 (88,8%). Một số tiêu chí đã thay đổi theo hướng tích cực như: Bố trí giường bệnh đầy đủ, nhà vệ sinh sạch sẽ, sử dụng thuận tiện, căng tin phục vụ giá cả hợp lý. Năm 2022, ước tính toàn tỉnh có 2,2 triệu lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, tăng 11,5% so với năm 2021.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)