Xét tuyển đại học 2021: Lý giải về điểm chuẩn tăng đột biến ở một số ngành học
Hầu hết những ngành học có điểm trúng tuyển từ 29 đến trên 30 điểm thuộc về khối C00 (Ngữ Văn – Lịch Sử - Địa lý). Với mức điểm như vậy, nhiều thí sinh dù đạt ba điểm 9 hay 10 đều chưa có khả năng đỗ nếu thiếu điểm cộng ưu tiên.
Dẫn đầu trong số các ngành học có điểm trúng tuyển trên 30 là ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao - Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có điểm chuẩn là 30,5/30 điểm.
Ảnh minh họa. |
Ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân có điểm trúng tuyển là 30,34 điểm với nữ (khối C00).
Ngành Hàn Quốc học (khối C00) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lấy điểm chuẩn 30/30 như năm 2020.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lý giải, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp, trong tổng số 50 chỉ tiêu, đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia… Như vậy, chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Số lượng nguyện vọng cao với gần 1.800 chỉ tiêu đăng ký vào ngành Hàn Quốc học chia cho 35 chỉ tiêu nên tỉ lệ cạnh tranh cao. Hiện nay, theo quy định, các thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng chính sách, nên xuất hiện điểm vượt qua ngưỡng 30/30. Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng.
Nhận xét chung về điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay, Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Điểm trúng tuyển tăng ở hầu hết các ngành đào tạo. Điều này đã được dự báo ngay từ khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT nên không quá bất ngờ. Phổ điểm năm nay có xu hướng tăng nhiều hơn ở các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C và khối D. Đối với các ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mức tăng trung bình khoảng 0,5 đến 1,5 điểm.
Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng nhẹ, trong khi các trường đại học ngày càng gia tăng các hình thức xét tuyển, ví dụ như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia, thi đánh giá năng lực… Vì vậy, điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được. Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ, thí sinh chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao.
Năm nay, điểm chuẩn vào các ngành đào tạo giáo viên cũng tăng nhẹ và thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Lý giải của lãnh đạo một số trường đào tạo sư phạm cho rằng, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã có tác động tích cực tới gia đình và thí sinh trong việc quyết định nguyện vọng.
Theo Nghị định này, ngoài được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, các địa phương sẽ thiếu hụt giáo viên nên dự báo nguồn nhân lực này cần bổ sung trong giai đoạn tiếp theo.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: Ngoài sư phạm Ngữ văn chất lượng cao lấy điểm trên 30, một số ngành chất lượng cao khác của trường cũng có điểm trúng tuyển cao như ngành sư phạm Lịch sử chất lượng cao - 29,75 điểm; ngành sư phạm Toán học chất lượng cao - 27,20 điểm; ngành sư phạm Vật lý chất lượng cao - 25,50 điểm. Sở dĩ, điểm trúng tuyển các ngành này cao do mỗi ngành đào tạo chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức chỉ tuyển 15 chỉ tiêu.
Ngoài những ưu đãi như miễn học phí, có thêm chi phí sinh hoạt cho thí sinh trúng tuyển, tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” đào tạo và có cơ chế tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành chất lượng cao này. Do vậy, đây là những ngành học thu hút được nhiều thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)