Xã Ngọc Sơn: Hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân
BẮC GIANG - Giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các ngành, đoàn thể xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) đã chủ động kết nối với doanh nghiệp (DN) giúp người dân có việc làm, ổn định và dần nâng cao đời sống.
Cách đây 7 năm, chồng chị Trần Thị Toan (SN 1979), thôn Ngọc Thành 1 mất do bị bệnh hiểm nghèo. Chỉ có hơn 1 sào ruộng canh tác, các con lại đang tuổi đến trường nên cuộc sống càng chật vật, gia đình chị luôn thuộc diện hộ nghèo của xã.
Có việc làm, thu nhập ổn định, năm 2023, gia đình chị Trần Thị Toan (người ngồi) thoát nghèo. |
4 năm trước, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu, chị đến học việc rồi được nhận vào làm công nhân tại xưởng may gia công của gia đình chị Trần Thị Thủy, thôn Ngọc Thành 2 (cùng xã). Là người khéo léo, chăm chỉ lại ham học hỏi, chị nhanh chóng khẳng định tay nghề, trở thành một trong những công nhân có thu nhập cao tại xưởng. Kinh tế ổn định, năm 2023 gia đình chị thoát nghèo; hiện con lớn chuẩn bị vào lớp 10, con nhỏ lên lớp 6.
Cùng thôn với chị Toan, chị Dương Thị Ân (SN 1974) được cơ sở may gia công trên địa bàn nhận làm công nhân, có thu nhập ổn định qua sự kết nối, giới thiệu của Hội Nông dân xã. “Tôi bị khuyết tật, trước đây nhận sửa chữa quần áo tại nhà song việc không nhiều, thu nhập thấp. Làm tại xưởng may gia công gần nhà, tôi đi lại thuận lợi, thu nhập và cuộc sống gia đình ổn định hơn”.
Được giới thiệu, chị Dương Thị Ân có việc làm tại một xưởng may gia công trên địa bàn xã. |
Xã Ngọc Sơn hiện có gần 2 nghìn người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, UBND xã đều có kế hoạch cụ thể, triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người dân. Trong đó ưu tiên giải quyết việc làm ngay tại địa phương thông qua vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; giới thiệu việc làm tại các nhà máy, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn và các xã, thị trấn lân cận.
Qua thống kê, các xưởng may, cơ khí và cơ sở sản xuất tại xã đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ví như HTX Rau hữu cơ Bình Dương, thôn Bình Dương đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 32 thành viên và 10 lao động tại địa phương. Ông Lê Đắc Phòng, Giám đốc HTX chia sẻ: “Tham gia HTX, thành viên và người lao động được hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, được bao tiêu đầu ra nên thu nhập bình quân của những người trực tiếp sản xuất đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng”.
Thu nhập ổn định, nhiều hộ dân ở thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn xây dựng nhà khang trang. |
Không chỉ giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động ngay tại địa phương, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã giao cho các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giới thiệu hội viên, đoàn viên đi làm việc ở các DN, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật nhu cầu tuyển dụng của các DN để thông tin đến người dân; hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, học nghề, xuất khẩu lao động.
Từ năm 2022 đến nay, xã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền về chính sách hỗ trợ vay vốn, tìm việc làm. Trong năm 2023, 50 lao động được xã giới thiệu tham gia ngày hội việc làm do UBND huyện tổ chức và có 20 lao động tìm kiếm được việc làm qua kênh này. Hiện toàn xã có hơn 300 lao động đang đi làm việc ngoài tỉnh, thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/tháng/người; 30 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đến nay 95% số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2023, toàn xã còn 51 hộ nghèo, giảm 51 hộ so với năm 2022; số hộ cận nghèo cũng giảm từ 83 hộ xuống còn 35 hộ. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2023 đạt gần 53 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: “Với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, thời gian tới, chúng tôi tập trung khai thác triệt để tiềm năng nhằm phát triển thương mại, dịch vụ; khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển.
Đối với công tác giải quyết việc làm, xã giao chỉ tiêu cụ thể, kịp thời biểu dương các ngành, đoàn thể kết nối, giới thiệu, tạo nhiều việc làm cho hội viên, đoàn viên; đôn đốc, nhắc nhở các tập thể, cá nhân không hoàn thành chỉ tiêu. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống người dân”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)