Vui, buồn nghề gom rác
Công việc thường ngày của gia đình ông Vũ Tá Hùng. |
Duyên phận với nghề
Nắng tháng Bảy như chan lửa xuống khu Đồng Xó, thị trấn Nhã Nam. Ông Hùng hì hục khuân từng bao rác ném vào lò đốt. Chốc chốc, ông lại đưa tay gạt dòng mồ hôi tràn trên khuôn mặt đen sạm. Bên cạnh, bà Hoàn nhanh tay phân loại đống rác mà vợ chồng con trai bà vừa gom ở thị trấn đổ xuống. Không khí hầm hập bởi nắng hè cộng với sức nóng tỏa ra từ lò đốt. Biết có khách đến nhưng ông Hùng vẫn cố chất đủ rác vào lò rồi mới nghỉ tay ra bàn uống nước. Sau phút bỡ ngỡ, làm quen, ông bà mới trải lòng.
Năm 1984, ông Vũ Tá Hùng và bà Dương Thị Hoàn (cùng SN 1960) làm lễ cưới và sinh được hai con trai. Con cả là Vũ Tá Luân (SN 1985). Sau khi học hết THPT, Luân được cha mẹ cho đi học nghề và làm việc ở Hà Nội. Mùng 3 Tết năm 2006, Luân không may bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Di chứng của vết thương khiến anh không thể trở lại công việc vệ sĩ từng làm trước đây. Khi đó, kinh tế gia đình bà Hoàn rất khó khăn. Mặc dù cấy 1,2 mẫu ruộng nhưng vẫn không đủ ăn và trả nợ hơn 300 triệu đồng vay chữa bệnh cho con. Vì thế, vợ chồng bà Hoàn tiếp tục duy trì nghề thu gom rác đã làm từ năm 2000. “Tôi chỉ nghĩ cứ có việc là làm, bất kể khó nhọc đến đâu, miễn là có thu nhập nuôi con, nuôi cháu”, bà Hoàn kể.
Năm 2015, thị trấn Nhã Nam được hỗ trợ xây lò đốt rác từ nguồn vốn Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mong muốn làm đẹp cho quê hương, cũng là để con có việc làm nên ông bà nhận khoán từ thu gom, đốt, chôn lấp đến bảo vệ khu xử lý rác của thị trấn. “Từ khi nhận vận hành lò đốt rác, tôi luôn “bám chốt”, ăn ngủ ở đây để giữ lò cháy quanh năm”, ông Hùng chia sẻ. Theo ông Hùng, việc đốt lò cần có kỹ thuật tốt, nếu sơ sẩy là mất khối củi với mấy lít dầu để nhóm lại. Nếu lò cháy liên tục thì sức nóng vỏ lò đã đủ nhiệt sấy những loại rác ẩm nhất mà không cần phải phơi, vừa tiết kiệm chi phí lại phát huy tối đa công suất lò.
Gắn bó dài lâu
Vợ chồng bà Dương Thị Hoàn. |
Tiếng động cơ xe chở rác ồn ã cắt ngang câu chuyện của bà Hoàn và ông Hùng. Chỉ tay về phía hai người ngồi trên xe rác vừa tới, bà Hoàn nói át cả tiếng máy: “Người lái xe là Thuyết con dâu tôi, còn người ngồi bên cạnh là Luân đó”. Bà Hoàn bỏ dở câu chuyện chạy ra giúp con trút rác xuống bãi.
Gỡ chiếc khẩu trang trên mặt, chị Thuyết nhanh tay rót nước đưa cho chồng trước. Sau khi uống một ngụm lớn, chị quay lại phía tôi: “Anh ơi nghề này cực lắm, không cần tìm hiểu cũng biết mà”. Chị kể, ngày đầu gom rác ngại lắm bởi cả thị trấn chẳng ai muốn nhận. Thế rồi làm miết thành quen. Thời gian đầu, gia đình chị bỏ 50 triệu đồng mua hai cặp ngựa kéo, mỗi vợ chồng một cặp, rong ruổi khắp ngõ ngách trong thị trấn gom chở rác. Chọn ngựa kéo rất khó, thay mấy lần mới được một đôi ngựa thuần. Tưởng công việc thuận đà, ai ngờ được thời gian ngắn thì ngựa đổ bệnh vì nuốt phải túi ni lông ở bãi rác, gia đình đành bán lỗ để mua một chiếc xe.
Từ đó đến nay, chị luôn là người lái xe, còn chồng tuy cao lớn nhưng do sức yếu nên chỉ phụ vợ chất rác lên thùng xe. Hình ảnh hai vợ chồng chị Thuyết sớm, chiều gom rác đã gắn chặt với nếp sinh hoạt của người dân thị trấn Nhã Nam nhiều năm nay. "Mong sao mọi người dân đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác thải bừa bãi mà để đúng nơi quy định, tạo thuận lợi cho việc thu gom rác", chị Thuyết bày tỏ.
Ngoài những việc trên, gia đình bà Hoàn còn nhận làm quản trang. “Có nhiều lúc bận quá, tôi phải huy động cả cậu con út đang làm ở xa về hỗ trợ mới xong. Ai nấy đều bơ phờ nhưng bù lại có thêm chút thu nhập”, bà Hoàn kể.
Trong ngôi nhà ấm cúng của gia đình bà Hoàn ríu ran tiếng con trẻ nô đùa, chúng tôi thấy trên bức tường đủ loại giấy khen treo sát bên nhau. Nhiều năm liên tục, ba mẹ con bà Hoàn được UBND thị trấn Nhã Nam khen thưởng vì công tác vệ sinh môi trường. “Nhiều địa phương khác đang khó khăn trong việc bố trí người thu gom rác thải và vận hành lò đốt rác, thì ở đây nhờ sự tận tụy của gia đình bà Hoàn đã góp phần làm cho thị trấn sạch, đẹp hơn; được cấp trên đánh giá là một trong số ít địa phương của tỉnh phát huy hiệu quả lò đốt rác thải sinh hoạt”, ông Đào Thế Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Nhã Nam tự hào nói.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)